Ðẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Theo dõi phiên khai mạc Kỳ họp sáng qua, đông đảo cử tri và nhân dân cả nước hết sức phấn khởi, bởi sau những “sóng gió” của đại dịch Covid-19, Quốc hội đã có kỳ họp đầu tiên tổ chức trực tiếp tại Hội trường Ba Đình mới. Theo nhiều cử tri, kết quả này có được từ những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Quốc hội với các quyết sách đặc biệt, kịp thời, chưa từng có tiền lệ, góp phần quan trọng cùng cả hệ thống chính trị ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch, bảo đảm sự bình yên cho nhân dân và phát triển đất nước trong điều kiện "bình thường mới".

Đến nay, có thể khẳng định các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước gần như đã trở lại trạng thái bình thường. Dù vậy, phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng “hậu Covid” cũng đáng lo không kém gì thời điểm cả nước “chống dịch như chống giặc”. Với đông đảo cử tri, những thách thức lớn đó vẫn đang hiện hữu hàng ngày. Đó là chuyện áp lực lạm phát gia tăng, nhất là khi giá thành các nguyên liệu đầu vào không ngừng lập đỉnh; ở một số ngành lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh còn rất khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng...

Trong khi đó, một số nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, như nhận xét của Ủy ban Kinh tế là triển khai chậm. Nhất là vốn cho Chương trình phục hồi chỉ được giải ngân trong hai năm 2022 - 2023. “Các chính sách được Quốc hội ban hành trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng, yêu cầu rất cao; mục tiêu và lộ trình cũng hết sức rõ ràng, cụ thể. Vậy tại sao khi triển khai thực hiện lại không đạt kỳ vọng. Đây là vấn đề cần tập trung làm rõ, để nhanh chóng tạo chuyển biến trên thực tiễn”, cán bộ hưu trí Nguyễn Văn Nhỏ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ quan điểm.

Làm rõ bất cập của pháp luật để có giải pháp hữu hiệu

Trong số những nội dung của Kỳ họp thứ Ba này, cử tri đánh giá rất cao việc Quốc hội nghe báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và báo cáo thẩm tra nội dung này ngay trong ngày làm việc đầu tiên. Theo cử tri, điểm mới này là rất đáng chú ý. Bởi, trong thời gian qua, quyết tâm của Đảng, Nhà nước; đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã củng cố rất lớn niềm tin trong Nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, cử tri và Nhân dân vẫn hết sức băn khoăn khi tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn diễn biến phức tạp. Đơn cử như những sai phạm trong quản lý lĩnh vực y tế thời gian vừa qua. Cùng với yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm, cử tri cũng mong muốn Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân từ những bất cập của hệ thống văn bản pháp luật liên quan để có giải pháp khắc phục hữu hiệu trong thời gian tới. Hay trong lĩnh vực đất đai, cử tri vẫn hết sức bất bình khi tình trạng cán bộ cấu kết với doanh nghiệp lợi dụng chính sách để tư lợi còn xảy ra; khiếu kiện đất đai diễn biến phức tạp; nguồn lực đất đai chưa được sử dụng đúng mục đích…

Trong số các nội dung sẽ được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này, những sai phạm liên quan đến thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, cử tri. “Quốc hội cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định bất cập nhằm tạo khung thể chế hiệu lực, hiệu quả bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thị trường”, cử tri Đinh Công Trang (phường Cao Thắng, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) gửi gắm.

Kỳ vọng các quyết sách hợp lòng dân

Theo dõi các diễn biến trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp hôm qua, nhiều cử tri cũng đánh giá rất cao phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi đề nghị các vị ĐBQH nêu cao tinh thần trách nhiệm, không coi quyết toán ngân sách Nhà nước là “việc đã rồi”. Với tinh thần quyết liệt ấy, cử tri tin tưởng, Quốc hội sẽ có các giải pháp hiệu quả nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm giải trình và xử lý vi phạm về tài chính, ngân sách nhà nước. Qua đó, nâng cao chất lượng công tác này cũng như hiệu quả, chất lượng xem xét quyết toán ngân sách nhà nước của Quốc hội.

Về hoạt động giám sát, nhiều cử tri cũng bày tỏ tin tưởng, trong 2,5 ngày diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, các ĐBQH sẽ nêu bật các vấn đề "nóng" được đông đảo cử tri và Nhân dân đang quan tâm; tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng để làm rõ thực trạng vấn đề, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong các ngành, lĩnh vực được chất vấn. Đáp ứng sự mong đợi, kỳ vọng của đông đảo cử tri, Nhân dân.

Tại kỳ họp này, việc Quốc hội sẽ xem xét, quyết định Chủ trương đầu tư 5 Dự án hạ tầng giao thông quan trọng gồm: Đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội; Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri. Cử tri mong muốn, các ĐBQH với trí tuệ, trách nhiệm của mình sẽ phân tích, làm rõ về sự cần thiết, cấp bách; phân kỳ đầu tư; tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống quy hoạch của quốc gia, vùng, địa phương... Qua đó, bảo đảm tính khả thi về cân đối nguồn vốn và tổ chức triển khai dự án; khắc phục tình trạng quyết định đầu tư nhanh nhưng quá trình triển khai chậm, kéo dài, gây lãng phí, phân tán và dàn trải nguồn lực.

TUẤN NGUYÊN