Nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng, với việc lựa chọn "đúng" và "trúng" những nội dung nóng, đang là mối quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân, phiên chất vấn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, tiếp tục ghi dấu ấn về một Quốc hội năng động, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba: Lựa chọn đúng và trúng vấn đề chất vấn

20220315063807hinhanh.jpg

Ngày mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ mới về hai nhóm vấn đề liên quan đế lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường. Đây là 2 nhóm vấn đề rất đúng và trúng, bám sát thực tiễn cuộc sống. Các nội dung dự kiến chất vấn cụ thể đều là những vấn đề “nóng”, đang được dư luận xã hội rất quan tâm như sản xuất, nhập khẩu xăng dầu; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là hàng nông sản… với lĩnh vực công thương. Hay với lĩnh vực tài nguyên và môi trường là vấn đề đấu giá đất; kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy, xử lý chất thải công nghiệp, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, vấn đề ô nhiễm…

Bên cạnh đó, phiên chất vấn cũng sẽ làm rõ việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả; công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị, cũng đều là những vấn đề đang gây bức xúc trong thực tiễn.

Về vấn đề đấu giá đất, thời gian qua, dư luận rất quan tâm, đặt nhiều câu hỏi liên quan đến một số vụ việc đấu giá đất với mức giá trúng đấu giá cao bất thường, nhưng sau đó người trúng giá “bỏ cọc” đã tác động tiêu cực, thậm chí gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Qua chất vấn lần này, tôi mong muốn sẽ làm rõ được bản chất của vấn đề, trong đó cần làm rõ có hay không hành vi vi phạm pháp luật, kể cả vấn đề “nhóm lợi ích” trong các vụ việc này? Có việc buông lỏng quản lý hay năng lực quản lý nhà nước yếu kém liên quan đến những vụ việc này hay không? Trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền liên quan, nhất là người đứng đầu như thế nào?

Một vấn đề rất quan trọng cũng cần làm rõ là có bất cập trong chính sách, pháp luật liên quan hay không? Bất cập ở những quy định trong văn bản pháp luật cụ thể nào? Từ đó, xác định giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới cho phù hợp.

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng): Bám sát thực tiễn nóng bỏng của cuộc sống

20220315063938hinhanh.jpg

Nội dung hoạt động chất vấn đầu tiên được tổ chức tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV bám sát thực tiễn cuộc sống nóng bỏng đang diễn ra, được dư luận quan tâm, mong chờ có sự vào cuộc của Đảng và Nhà nước, vai trò giám sát của Quốc hội. Những vấn đề trong lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường đưa ra chất vấn lần này vừa cụ thể, sát sườn, vừa mang tính lâu dài, có liên quan đến những tác động toàn cầu về một cuộc “khủng hoảng năng lượng” trong bối cảnh quốc tế đang có những thay đổi nhanh chóng.

Tôi kỳ vọng tại phiên chất vấn lần này, với những chủ đề nóng như vậy, các đại biểu sẽ đặt nhiều câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng để các bộ trưởng, trưởng ngành tập trung làm rõ. Và từ phiên chất vấn tại phiên họp lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ sẽ có các giải pháp xử lý kịp thời, bảo đảm lợi ích quốc gia, an sinh xã hội, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, lập lại kỷ cương trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần cùng cả nước vượt qua những rào cản, vấn đề mới nổi, khó lường trên thế giới hiện nay.

Đáng lưu ý, hai nội dung liên quan đến giá xăng dầu và quản lý đất đai luôn là chủ đề nóng, gắn với lợi ích sát sườn của người dân, liên quan đến quan hệ cung - cầu trong cơ chế thị trường. Hai Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính lần này là những "tư lệnh ngành" đã qua cọ xát thực tế, sâu sát với ngành, lĩnh vực được giao phụ trách, nhạy bén với việc phân tích bối cảnh tình hình. Cho nên, tôi mong các Bộ trưởng sẽ trả lời thẳng vào câu hỏi, vấn đề đặt ra, bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, cung cấp thông tin một cách tập trung nhất.

Thực tiễn cho thấy, để có thể giải quyết, xử lý dứt điểm được vấn đề giá xăng dầu và đất đai đòi hỏi phải có sự phân tích, nhận diện rõ nguyên nhân và mức độ tác động của việc tăng giá xăng dầu, hay đẩy giá đất nhằm trục lợi cá nhân. Khi đó, mới có căn cứ đề xuất trúng giải pháp khắc phục, xử lý sự cố trước mắt và lo cho lâu dài, loại bỏ các giải pháp mang tính “che chắn, tức thời”. Do đó, không đơn thuần là vấn đề giá xăng dầu và những nỗ lực quản lý một cách “cơ học”, mà phải truy tìm cho được nguyên nhân chính xác từ cả bên trong và bên ngoài (có thiếu hụt nguồn cung không, lỗ hổng của cơ chế, chính sách như thế nào, giá dầu thế giới tăng liên quan tới khủng hoảng Nga - Ukraine ra sao...).

Tôi tin tưởng và kỳ vọng, phiên chất vấn đầu tiên được tổ chức tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ mới sẽ thành công tốt đẹp, diễn ra một cách sôi động, thẳng thắn, dân chủ, hiệu quả, tiếp tục ghi dấu ấn cho một nhiệm kỳ Quốc hội năng động, đổi mới, sáng tạo.

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang): Tạo chuyển biến thực chất với những vấn đề đưa ra chất vấn

20220315064117hinhanh.jpg

Tôi đánh giá cao hai nhóm vấn đề đưa ra chất vấn tại Phiên họp này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cá nhân tôi quan tâm tới tình hình quản lý kinh doanh có điều kiện đối với mặt hàng xăng dầu hiện nay. Thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng được phép kinh doanh mặt hàng này, số lượng các cây xăng trên cả nước không nhiều, nhưng tại sao lại để xảy ra tình trạng không quản lý được hoạt động này? Tại sao cơ quan quản lý Nhà nước lại không nắm được số lượng xăng dầu được nhập vào, bán ra; tình trạng nhập xăng dầu kém chất lượng; việc các chủ cây xăng cố tình găm hàng, chờ xăng lên giá… gây ra những hệ lụy xã hội? Rõ ràng ở đây có sự yếu kém trong quản lý nhà nước đối với hoạt động này, khiến cử tri và nhân dân lo lắng, bức xúc. Mong rằng với trách nhiệm trả lời chính, Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ làm rõ trách nhiệm của Bộ trong quản lý kinh doanh xăng dầu cũng như các mặt hàng kinh doanh có điều kiện khác.

Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mong rằng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm rõ trách nhiệm của Bộ trong vấn đề lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Tình trạng đầu cơ đất và đẩy giá đất làm biến tướng thị trường nhà đất, khiến việc phân bổ nguồn lực về đất đai không thực chất, đất đai không đến được với đối tượng sử dụng hiệu quả… Thực trạng này chỉ phản ánh một khía cạnh yếu kém trong hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đất đai.

Với những vấn đề nóng, đang gây bức xúc trong thực tiễn cuộc sống, qua phiên chất vấn lần này, các Bộ trưởng sẽ trả lời thẳng thắn, trực diện vào các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn, nêu được những giải pháp căn cơ, triệt để và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhằm tạo chuyển biến thực chất tình hình trong thực tiễn.

Ngày mai, 16.3, hoạt động chất vấn đầu tiên tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV sẽ diễn ra tại phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và được kết nối truyền hình trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hai nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn lần này thuộc lĩnh vực công thương và tài nguyên - môi trường.

Nhóm vấn đề thứ nhất gồm: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề thứ hai gồm: Việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân, việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này; việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy, xử lý chất thải công nghiệp, vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học Công nghệ, Xây dựng, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan.

Phương Thủy - Thanh Chi - Hoàng Ngọc ghi