Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội nghị Ảnh: Ảnh: Vũ Châu
Hôm nay trong không khí gần gũi, thân tình, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị bồi dưỡng “Kỹ năng giám sát dành cho đại biểu dân cử”. Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, tôi gửi lời chào, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đại biểu. Tôi cũng mong rằng, cùng với việc thực hiện tốt các yêu cầu của lớp bồi dưỡng, các đại biểu về dự Hội nghị có những ngày ở thành phố Cần Thơ tươi đẹp, hiếu khách được an toàn dịch bệnh, khỏe mạnh, có thời gian tìm hiểu, trải nghiệm, thưởng thức những đặc sản, hòa vào sự nhộn nhịp, trù phú, mộc mạc, trữ tình, dung dị, đậm chất miền sông nước của mảnh đất Tây Đô.
Đại biểu QH, đại biểu HĐND là hạt nhân trong hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân; có đóng góp rất quan trọng đối với chất lượng hoạt động, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực công tác của ĐBQH, HĐND là trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các cấp ủy Đảng, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng Nhân dân các cấp. Tôi được biết từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, Ban Công tác đại biểu đã tổ chức 4 Hội nghị bồi dưỡng cho đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, tại Hà Nội (2 cuộc), Huế và Tuyên Quang, với hơn 440 đại biểu tham dự, trong đó 270 ĐBQH, cộng với hơn 170 đại biểu của kỳ bồi dưỡng này tại Cần Thơ là kết quả rất đáng ghi nhận. Tôi hoan nghênh Ban Công tác đại biểu đã chủ động chuẩn bị nội dung; mời được các báo cáo viên có chuyên môn sâu, dày dặn kinh nghiệm sẵn sàng trao đổi, đáp ứng yêu cầu của các đại biểu.
Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát cũng chính là nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Đây là vấn đề luôn được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các địa phương quan tâm. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 20.11.2015. Qua 6 năm thực hiện luật, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân đã có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; góp phần đưa luật pháp, các nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân vào thực tiễn cuộc sống.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thời gian qua vẫn còn hạn chế, bất cập, như việc tham gia hoạt động giám sát của các đại biểu; chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao; một số trường hợp, chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến vấn đề giám sát, chưa xác định rõ biện pháp xử lý, chưa có chế tài phù hợp; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát, việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát có lúc, có nội dung chưa thực sự quyết liệt, nên không ít những vụ việc, vấn đề chậm được giải quyết, tiếp tục gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như: một số chủ thể chưa thực sự đi sâu, phân tích kỹ lưỡng vấn đề cần giám sát, còn chủ yếu giám sát bằng hình thức nghe báo cáo của bộ, ngành, địa phương... Chính vì vậy, việc tiếp tục triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đặt ra những nhiệm vụ cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo để thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát nói riêng và chức năng của cơ quan dân cử nói chung, hoàn thành nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó.
Qua theo dõi, các đại biểu đã thấy được những hoạt động của Quốc hội Khóa XV trong thời gian vừa qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đang tiếp tục nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm mọi quyết sách đều vì quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Trong công tác lập pháp, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19 và định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, trong đó nêu rõ 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần được thực hiện.
Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó có nội dung xây dựng và triển khai đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội được tiến hành đồng thời trên cả 3 lĩnh vực là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia.
Về đổi mới tại kỳ họp Quốc hội, công tác chuẩn bị được tiến hành từ sớm, từ xa. Để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo và được Quốc hội đồng ý thử nghiệm và đã thực hiện thành công việc họp trực tuyến bao gồm cả việc chia tổ thảo luận.
Ngay sau ngày thảo luận tại tổ, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã phối hợp báo cáo giải trình sơ bộ. Nhờ vậy, hoạt động thảo luận tại hội trường chỉ còn tập trung vào các nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau, qua đó góp phần rút ngắn được thời gian họp.
Một nội dung cải tiến khác là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình và Quốc hội đã đồng ý cho áp dụng hệ thống biểu quyết trực tuyến bằng hệ thống điện tử được cài đặt trên Ipad của đại biểu.
Về công tác dân nguyện nếu như trước đây chỉ báo cáo tại kỳ họp của Quốc hội mỗi năm hai lần, thì nay đã được báo cáo hằng tháng tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan khối nội chính, tạo ra sự chuyển biến rất tích cực trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong công tác giám sát, Quốc hội vừa tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Huy động 63 HĐND và 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia các đoàn giám sát. Công tác giám sát không chỉ tập trung vào khâu thực thi pháp luật mà còn tập trung cả vào việc ban hành các văn bản quy định chi tiết luật.
Trong năm 2022, ngoài giám sát về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành 4 giám sát chuyên đề gồm: 2 giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác quy hoạch”; 2 giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã”. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nhiều Nghị quyết về hoạt động giám sát như: Hướng dẫn việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội; Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban, Tổ và đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Tôi mong rằng, sau hội nghị này, với những kiến thức, kỹ năng thu nhận được, các đại biểu sẽ có những đổi mới, quyết tâm hơn, nhận thức rõ hơn và chuyển hóa thành những hành động cụ thể đối với hoạt động giám sát. Thông qua giám sát đánh giá đúng hiệu quả hoạt động, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong thực thi công vụ. Kịp thời phát hiện, kiến nghị, đề xuất những quy định của luật không phù hợp để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ...
Chúc các đại biểu với những kiến thức, kỹ năng được cung cấp tại hội nghị này sẽ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ giám sát và trọng trách người đại biểu nhân dân trong cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026.
_________