Quang cảnh kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026

Đánh giá cao sự thẳng thắn, tránh nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thông tin, tại Kỳ họp thứ 17, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh 22 báo cáo và 30 nghị quyết; đồng thời cho rằng: Qua theo dõi thảo luận các Tổ, thảo luận tại hội trường, ý kiến cử tri qua đường dây nóng thấy rõ, về cơ bản các đại biểu HĐND tỉnh và cử tri đồng tình với các nội dung báo cáo cũng như các dự thảo nghị quyết, đặc biệt là báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Qua ý kiến phát biểu, có rất nhiều ý kiến thẳng thẳn, trách nhiệm, sâu sắc, toàn diện, sát thực tiễn, trên tinh thần xây dựng và vì sự phát triển chung của tỉnh. Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, các đại biểu HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là những vấn đề gây bức xúc đối với người dân và cử tri tỉnh nhà. Những vấn đề, như: quản lý đất đai; khoáng sản; môi trường; dự án chậm tiến độ; công tác quản lý, bảo vệ rừng; vệ sinh an toàn thực phẩm; tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học của một số địa phương; công tác phòng ngừa, hỗ trợ người dân khắc khắc phục thiên tai; vấn đề về các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chất lượng lao động, đào tạo lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp; hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, Tổng đội TNXP...

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại phiên thảo luận hội trường Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Từ ý kiến phát biểu, các đại biểu HĐND tỉnh cũng gợi mở cho UBND tỉnh nhiều nội dung để có các giải pháp tiếp tục thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành. Các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh nêu lên tại phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường đã được các thành viên của UBND tỉnh trả lời, giải đáp. Thẳng thắn khẳng định, việc trả lời đã rất tốt, nhưng giải quyết được những vấn cử tri và đại biểu HĐND nêu ra, về phía UBND tỉnh nhận thấy chưa giải quyết hết tất cả các vấn đề. Nguyên nhân, một là do vướng cơ chế, hai là thiếu nguồn lực và ba là, ở đâu đó còn thiếu sự quan tâm.

Với trách nhiệm người đứng đầu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung xin nhận trách nhiệm trước HĐND tỉnh về các vấn đề này; đồng thời tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc, có trách nhiệm để tiếp tục chỉ đạo, xử lý, giải quyết ở mức tối đa những vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh cũng như cử tri kiến nghị để hoàn thiện các giải pháp, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Có 5 kết quả nổi bật

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, năm 2023 sắp qua đi, HĐND tỉnh họp và đã có đánh giá về những kết quả mà tỉnh đạt được trong năm 2023 trong bối cảnh hết sức khó khăn, do ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố, như suy thoái kinh tế, hậu Covid-19, nhưng kết quả đạt được hết sức tích cực.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7,14%, đứng thứ 26/63 tỉnh thành, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. Quy mô GRDP đạt trên 193.000 tỷ đồng, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành trong cả nước. GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 56,18 triệu đồng/người/năm, nằm ở nhóm thấp của cả nước nhưng Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng nhất cả nước, dân số đông thứ 4 cả nước.

Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020

Thứ hai, thu hút đầu tư là điểm sáng với hơn 46.000 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch 1,38 lần. Đặc biệt, thu hút FDI của tỉnh, lần đầu tiên vượt 1 tỷ USD, đến nay đã đạt 1,454 tỷ USD. Chủ tịch UBND tỉnh làm rõ: "Đóng góp FDI cần 1 quá trình, từ khi dự án đăng ký đến thực hiện và đi vào sản xuất. Các dự án này chủ yếu nằm trong Khu kinh tế Đông Nam đang được hưởng chính sách ưu đãi 4 năm hoàn toàn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì thế, việc đóng góp của các dự án FDI vào ngân sách của tỉnh cần thời gian. Tuy nhiên, các dự án FDI sẽ giúp tỉnh tăng cường năng lực sản xuất, bổ sung các nguồn lực cho đầu tư toàn xã hội tăng lên; chuyển giao công nghệ; tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Nhiệm kỳ này thu hút FDI tốt cần phải nói rằng: trân trọng, cảm ơn nhiệm kỳ trước đã có sự chuẩn bị tốt về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp, như VSIP, WHA".

Thứ ba, trong năm 2023, tỉnh đã tập trung thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ lớn, như trình Bộ Chính trị tổng kết Nghị quyết số 26 và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; được Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức quán triệt Nghị quyết; Chính phủ và Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình hành động. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là hai nội dung hết sức cơ bản, cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý để tỉnh thực hiện các mục tiêu phát triển trong dài hạn.

Ngoài ra, trong năm 2023, tỉnh đã giải quyết được một số tồn đọng, kéo dài. Ví dụ, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã thông qua 1.274 tỷ đồng để thực hiện;  kinh phí giải phóng mặt bằng dự án Hồ chứa nước Bản Mồng; kinh phí dự án kè sông Nậm Mộ qua thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn). UBND tỉnh trân trọng cảm ơn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có vai trò hết sức tích cực trong việc giải quyết các vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra cơ sở vật chất Trường THPT Kỳ Sơn; Đồng chí Võ Văn Thưởng thăm gian hàng sản phẩm OCOP của huyện Nam Đàn; Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường ven biển đoạn qua huyện Nghi Lộc và dự án Cảng nước sâu Cửa Lò

Thứ tư, năm 2023, tỉnh đã quan tâm giải quyết an sinh xã hội, nhất là Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở với việc kêu gọi vận động được trên 12.000 ngôi nhà, với số tiền cam kết tài trợ trên 618 tỷ đồng. Đến thời điểm này, tỉnh đã thực hiện được 5.332 căn nhà; riêng ngành Công an là 3.553 căn, vượt cả giai đoạn 2019 - 2022. Đây là chủ trương rất tốt, được chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, thành lập ban chỉ đạo ở các cấp, do Bí thư cấp uỷ làm trưởng ban.

Thứ năm, cải cách hành chính có chuyển biến rõ nét về chất lượng công tác, phối hợp công tác, tiến độ thực hiện công việc; đặc biệt có giải pháp xử lý đối với đơn vị, cá nhân có vấn đề không đáp ứng yêu cải cách hành chính. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất trong công tác cải cách hành chính, với quan điểm "không chuyển biến thì chuyển người" và thực tế tỉnh đã thực hiện việc chuyển người.

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án VSIP Nghệ An II

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Để đạt được các kết quả  nêu trên, điều đầu tiên nhờ sự đoàn kết, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo từ các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lan toả đến các ngành, các địa phương; có sự phối hợp, giám sát, hỗ trợ có hiệu quả của HĐND tỉnh. Bên cạnh sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, người đứng đầu UBND tỉnh trân trọng cảm ơn HĐND, Thường trực HĐND và các vị đại biểu HĐND tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ tốt cho UBND tỉnh; trước kỳ họp thứ 17 đã tổ chức 5 kỳ họp trong năm 2023, ban hành 74 nghị quyết, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh.

Thẳng thắn chỉ ra 3 tồn tại, hạn chế

Bên cạnh các kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh 3 tồn tại, hạn chế.

Thứ nhất, thu ngân sách không đạt kế hoạch đề ra. Năm 2023, UBND tỉnh chốt con số thực hiện 17.771 tỷ đồng/ mức phấn đấu là 18.500 tỷ đồng; tăng 12% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Có ý kiến cho rằng, tăng 12% so với dự toán HĐND tỉnh giao thì không được coi là tồn tại, hạn chế, nhưng UBND tỉnh vẫn coi đây là tồn tại, hạn chế. Bởi, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 thu ngân sách đạt 26.000 – 30.000 tỷ đồng. Năm 2022, thu ngân sách của tỉnh đã đạt hơn 22.000 tỷ đồng; thu ngân sách năm 2023 không đạt, dẫn đến đích đến mốc sàn 26.000 tỷ đồng khó đạt.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung và đoàn công tác tỉnh Nghệ An thăm nhà máy của Công ty National Circuit Assembly (NCA) có trụ sở tại thành phố Garland; Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung trao đổi với bà Samatha Taylor - Giám đốc sở Phát triển Kinh tế thành phố Dallas và các doanh nghiệp Dallas, Houston; trao đổi với Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN; Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An làm việc với Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ

Thứ hai, giải ngân vốn đầu tư công và ba Chương trình mục tiêu quốc gia chưa cao. Tính, đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh đạt khoảng 66 - 68%; trong đó vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giải ngân khoảng 40%; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 29,5%; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền là 4,49%.

Thứ ba, việc triển khai 2 dự án hạ tầng giao thông chiến lược là Cảng nước sâu Cửa Lò và Cảng hàng không quốc tế Vinh chưa làm được.

Xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm

Về năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, dự báo đây là năm rất nhiều khó khăn, nhưng UBND tỉnh vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao 9 – 10%, bởi nếu không đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao thì sẽ không đạt ở mức tối đa mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX đã đề ra. Cùng với đó là Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn đến năm 2030 là 10 – 11% và  Quy hoạch tỉnh cũng đặt ra mục tiêu 10,5 – 11%. Vì vậy đặt ra mục tiêu để phấn đấu, quyết tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm để tập trung.

Thứ nhất, ngay sau kỳ họp thứ 17, UBND tỉnh sẽ cụ thể hoá 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; tổ chức, phân các tổ công tác chỉ đạo.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 36 của Quốc hội. Trong đó tập trung hoàn thành Đề án xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để bổ sung thực hiện các mục tiêu phát triển cho tỉnh; thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có hiệu quả; tập trung thực hiện 3 đề án, gồm Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam; Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị TP. Vinh; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, trong đó có 5 dự án giao thông; tập trung triển khai dự án nhiệt điện ở Quỳnh Lập; tập trung giải phóng mặt bằng các dự án khu công nghiệp, nhất là dự án khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1) và dự án khu công nghiệp Hoàng Mai II.

Thứ ba, tập trung có hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và ba Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện triển khai thủ tục để giải ngân nguồn kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A với tổng 1.274 tỷ đồng đảm bảo đúng quy định và không phát sinh khiếu kiện.

Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung bộ, trên trục giao thông huyết mạch Bắc-Nam của cả nước

Thứ tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới.

Thứ năm, thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời xử lý những kiến nghị từ cơ sở, từ cử tri, từ Nhân dân, để có giải pháp giải quyết hiệu quả, kịp thời, tránh phát sinh các điểm “nóng”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng khẳng định: kế thừa các kết quả đạt được trong thời gian qua, được sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ; sự phối hợp, giám sát hiệu quả của HĐND tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị- xã hội; sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Tỉnh sẽ thực hiện và hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.