Nỗ lực này, như phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 diễn ra mới đây của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đó là việc tham mưu thực hiện cải cách chính sách tiền lương là phần việc gian nan nhất, khó khăn nhất và cũng là thành công ngoạn mục nhất của ngành.

Bộ đã tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình từng bước hợp lý, thận trọng, bao trùm và hiệu quả. Đến “phút 89” vẫn chưa biết việc cải cách tiền lương sẽ thực hiện theo phương án nào, nhưng cuối cùng đã theo phương án mà ngành tham mưu. Đây không chỉ là niềm vui của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đối tượng có liên quan mà còn là thắng lợi lớn của toàn ngành.

Thực tế, việc cải cách tiền lương lần này dù đã có quá trình chuẩn bị khá dài, nhưng do các yếu tố khách quan, quá trình này đã bị chậm lại và gặp không ít khó khăn. Phải đến những ngày cuối Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, các nội dung về cải cách tiền lương mới được bổ sung vào Chương trình Kỳ họp. Và dù được Quốc hội thông qua nhưng vẫn còn 2 nội dung chưa thực hiện được.

Cho nên, vấn đề đặt ra ngay từ bây giờ là phải khẩn trương thực hiện cải cách toàn diện tiền lương, lương hưu, trợ cấp theo chủ trương của Đảng; bảo đảm tính khả thi, công bằng, hợp lý, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và nguồn lực của đất nước.

Trước mắt triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả Kết luận số 83 của Bộ Chính trị bảo đảm thống nhất, công bằng, công khai, minh bạch, tăng thu nhập cho người hưởng lương và trợ cấp. Sau đó, hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập, chế độ nâng lương, chế độ tiền lương gắn với tinh giản bộ máy, biên chế, vị trí việc làm

Cải cách chính sách tiền lương là vấn đề rất khó. Như trong đợt tăng lương lần này, dù được kỳ vọng sẽ thực hiện được các mục tiêu mà Nghị quyết số 27 và 28 của Bộ Chính trị đã đề ra nhưng quá trình hoàn thiện còn gặp nhiều khó khăn và để thực hiện được cần có thời gian, trong đó đáng chú ý nhất là xác định vị trí việc làm khi bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương và cơ cấu lại, sắp xếp các chế độ phụ cấp mới.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc chưa thực hiện hai nội dung này là bước đi thận trọng và cần thiết. Tuy nhiên không nên tiếp tục trì hoãn mà phải được xây dựng kỹ càng hơn và phản biện chặt chẽ, rộng rãi để tạo sự đồng thuận của xã hội. Hiện nay, một số vấn đề có liên quan, nhất là vấn đề vị trí việc làm chưa được giải quyết cả về căn cứ khoa học cũng như thực tiễn tại một số đơn vị nên kế hoạch này cần phải thực hiện tiếp trong thời gian tới.

Phân tích cụ thể hơn, một chuyên gia nhấn mạnh, khi chưa xây dựng được một cách toàn diện về cơ sở, pháp lý, khoa học cũng như thực tiễn thì rất khó có thể đưa ra quyết định. Và để đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương, trước mắt, các cơ quan chức năng cần xây dựng một cách khoa học và có căn cứ các vấn đề liên quan tới vị trí việc làm và các bảng lương.

Ngoài ra, cần xem xét, cân nhắc để bảo đảm sự hài hòa giữa các đối tượng, các đơn vị được tăng lương cũng như các yếu tố và mục tiêu kinh tế vĩ mô. Từ đó có lộ trình cụ thể về mức tăng cũng như bảng lương nhằm tạo sự đồng thuận. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề, thậm chí mặt tiêu cực khi tăng lương có thể sẽ nhiều hơn mặt tích cực.