Nhiều kinh nghiệm trong hoạt động giám sát

bna-mai-hoa-10-2311.jpg Sáng 31/7, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Con Cuông tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hội đồng nhân dân với Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện cụm 2 về chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của HĐND các cấp”. Ảnh: Mai Hoa

Các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân tỉnh chủ trì hội nghị.

Tham gia hội nghị có đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Vinh; Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện: Con Cuông, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn.

Tại hội nghị, các ý kiến tham gia trao đổi, thảo luận đều khẳng định, hoạt động giám sát là chức năng, thẩm quyền quan trọng và mang tính pháp lý cao của hội đồng nhân dân các cấp bằng Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Hoạt động giám sát được triển khai ở 4 cấp độ: giám sát của hội đồng nhân dân, giám sát của thường trực hội đồng nhân dân, giám sát của các ban hội đồng nhân dân và giám sát của các đại biểu hội đồng nhân dân.

bna-mai-hoa-17-528.jpg

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân tỉnh điều hành thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Liên quan đến phạm vi hội nghị trao đổi kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân các cấp; các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và nhấn mạnh yếu tố quan trọng là xác định nội dung giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu thực tiễn triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương trong từng thời điểm hoặc vấn đề cử tri, nhân dân kiến nghị, phản ánh mang tính phổ quát ở nhiều địa phương, địa bàn nhưng nhiều kỳ chưa được giải quyết.

Bên cạnh chọn nội dung, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc xây dựng đề cương có chất lượng cũng là một bước quan trọng, khẳng định tính chuyên sâu của chủ thể tổ chức giám sát và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng giám sát chuẩn bị đúng trọng tâm nội dung giám sát.

bna-mai-hoa-9-6912.jpg

Các đại biểu tham gia hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

bna-mai-hoa-3-4220.jpg

Đồng chí Trần Đình Toàn - Phó trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh nêu một số kinh nghiệm về phương pháp, cách thức tiến hành giám sát để đảm bảo nắm bắt một cách tổng thể, toàn diện vấn đề. Ảnh: Mai Hoa

Một số ý kiến chia sẻ kinh nghiệm về cách thức, hình thức triển khai giám sát cần quan tâm gắn hoạt động khảo sát đến tận từng đối tượng chịu tác động các nội dung, vấn đề đang triển khai giám sát, nhằm đảm bảo nắm bắt được tổng thể, cơ bản nội dung giám sát; vừa có cái nhìn, đánh giá nhiều chiều, sắc sảo để đưa vào kết luận, kiến nghị một cách cụ thể. Khi kết luận, kiến nghị giám sát càng chi tiết, cụ thể thì các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát có cơ sở để giải quyết, khắc phục.

Cùng với các nội dung trên, nhiều ý kiến cũng quan tâm thảo luận về xác định các thành phần tham gia đoàn giám sát; phương pháp giám sát; gắn giám sát với hướng dẫn, nhắc nhở về các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các đối tượng giám sát thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình thực thi, triển khai.

bna-mai-hoa-16-3425.jpg

Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi về mối quan hệ phối hợp trong công tác giám sát của các cơ quan dân cử các cấp. Ảnh: Mai Hoa

Từ hoạt động thực tiễn, một số ý kiến cũng kiến nghị cần tăng cường mối quan hệ và cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh với Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện; giữa Hội đồng nhân dân với các cấp ủy, chính quyền, kiểm toán có cùng chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát để tránh trùng lặp về nội dung và tăng cường sử dụng kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát giữa các cấp, các ngành, vì mục tiêu cuối cùng là tăng cường quản lý Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển chung.

Một vấn đề cũng được nhấn mạnh liên quan đến việc xây dựng dự thảo nghị quyết, làm rõ các giải pháp để các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân được giám sát có cơ sở thực hiện có hiệu quả sau giám sát.

bna-mai-hoa-8608.jpg

Đồng chí Nguyễn Thế Mạnh - Phó Chủ tịch HĐND huyện Con Cuông trao đổi kinh nghiệm theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Ảnh: Mai Hoa

bna-mai-hoa-15-8024.jpg

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương trao đổi kinh nghiệm lựa chọn nội dung giám sát của hội đồng nhân dân. Ảnh: Mai Hoa

Trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng nhân dân tỉnh đã triển khai 2 cuộc giám sát chuyên đề về dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh và công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 2015 – 2020. Ở cấp huyện, mỗi đơn vị triển khai 1- 3 cuộc giám sát chuyên đề

Quan tâm thực hiện tái giám sát

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội nghị vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính thực tiễn kinh nghiệm hoạt động giám cũng như những khó khăn, vướng mắc đề xuất, kiến nghị để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các chuyên đề giám sát.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh một số nội dung cần quan tâm liên quan đến xác định nội dung, chuyên đề giám sát phải đảm bảo. Quan tâm đổi mới phương thức giám sát; xác định thành phần tham gia giám sát, trong đó, quan tâm mời các chuyên gia.

bna-mai-hoa-4-723.jpg

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh kết luận hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Báo cáo kết quả giám sát phải đảm bảo tính khách quan, cụ thể; làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, có số liệu và tư liệu để minh chứng; đặc biệt các kiến nghị phải cụ thể và có thời hạn thực hiện, khắc phục để các cơ quan, đơn vị có căn cứ thực hiện.

Sau giám sát cần quan tâm theo dõi thường xuyên việc thực hiện các kiến nghị, giải pháp; trên cơ sở đó tiến hành tái giám sát đối với những vấn đề chậm được triển khai, khắc phục; đồng thời đưa ra chế tài đối với các đơn vị chậm thực hiện thông qua việc thực hiện thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu 2 lần/nhiệm kỳ.

bna-mai-hoa-13-7091--n1.jpg

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng trao đổi, thông tin lại một số vấn đề mà các đại biểu kiến nghị, đề xuất tại hội nghị liên quan đến tập huấn, trao đổi kinh nghiệm; hỗ trợ cho hội đồng nhân dân cấp huyện thực hiện chủ trương chuyển đổi số; một số thẩm quyền quyết định của Thường trực và các ban hội đồng nhân dân cấp huyện...

Mai Hoa