bna-img-9694-428.jpg

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An; cùng lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, các ban HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.

BỨC TRANH KINH TẾ PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN TÍCH CỰC

Qua thẩm tra các báo cáo của UBND tỉnh về kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023; dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh năm 2022; nhiệm vụ năm 2023; Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, kế hoạch đầu tư công năm 2023; dự thảo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho thấy, năm 2022, nền kinh tế - xã hội của Nghệ An đã có sự phục hồi và phát triển hết sức tích cực, thể hiện trên nhiều lĩnh vực, với 27/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành kế hoạch đề ra, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt.

bna-img-9731-642.jpg

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức trình bày các báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Năm nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 9,05%; thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 20.350 tỷ đồng, tăng 35,7% so với dự toán và bằng 101,8% so với thực hiện năm 2021.

Thu hút đầu tư là điểm sáng rõ nét trong bức tranh kinh tế của Nghệ An. Tính đến ngày 15/11/2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới 92 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 28.390,9 tỷ đồng; điều chỉnh 98 lượt dự án (trong đó, điều chỉnh tổng vốn đầu tư 33 lượt dự án, với tổng mức đầu tư tăng 13.224 tỷ đồng). Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh 41.614,9 tỷ đồng, tăng 50,91% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 10/11/2022 là 935,22 triệu USD.

Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công quyết liệt ngay từ đầu năm. Kết quả, tính đến ngày 20/11/2022, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 3.054,305 tỷ đồng, đạt 41,03% tổng kế hoạch.

Nếu không tính nguồn ngân sách Trung ương mới giao bổ sung và nguồn Chương trình Mục tiêu Quốc gia, kết quả giải ngân đạt 52,64%, trong đó, nguồn ngân sách Trung ương đạt 53,45%. Kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2022 đã giải ngân đạt 83,23%.

bna-img-9751-5909.jpg

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nghệ An Cao Tiến Trung phát biểu tại phiên thẩm tra. Ảnh: Thành Duy

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, sôi nổi, tạo sự phấn khởi, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.

Tại cuộc làm việc, Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong năm nay để thực hiện các mục tiêu do HĐND tỉnh đặt ra. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ hơn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến việc triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế, công tác giải ngân vốn đầu tư công; tỷ lệ đô thị hóa…

bna-img-9843-9070.jpg

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đặng Thanh Tùng phát biểu tại phiên thẩm tra. Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh đánh giá cao kết quả đạt được năm 2022, đồng thời, đề nghị UBND tỉnh quan tâm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển đổi số, an ninh mạng; chỉ đạo để phối hợp phát huy vai trò ban giám sát đầu tư cộng đồng của tất cả các dự án trên địa bàn (trừ các dự án quốc phòng, an ninh).

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh cũng đề nghị thời gian tới, cần tập trung các giải pháp cụ thể để khắc phục hậu quả của hoàn lưu bão số 4 vừa qua, đặc biệt, cần làm rõ, thống nhất nguyên tắc lồng ghép các nguồn vốn tái định cư người dân bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn); khắc phục khó khăn trong hỗ trợ xi măng đối với các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao; chỉ đạo khảo sát và thống kê dữ liệu cơ bản phục vụ chuyển đổi số, trong đó, dữ liệu hộ nghèo theo chuẩn mới cần bổ sung hiện trạng cơ bản, nhu cầu của hộ nghèo; tri ân, tôn vinh gương sáng các cá nhân ngành Y tế kịp thời; kịp thời trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

bna-img-9756-6729.jpg

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh phát biểu tại phiên thẩm tra. Ảnh: Thành Duy

Về nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị nghiên cứu chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển qua Cảng Cửa Lò để góp phần tăng thu thuế xuất, nhập khẩu, góp phần phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19; tập trung triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia đảm bảo tiến độ, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ cấp xi măng làm nông thôn mới năm 2022, đồng thời có giải pháp để nguồn xi măng cấp cho các địa phương trong năm 2023 sớm hơn nữa.

bna-img-9770-5711.jpg

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình phát biểu tại phiên thẩm tra. Ảnh: Thành Duy

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị, UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm thực hiện các nội dung đã được Thường trực HĐND tỉnh kết luận tại các cuộc giám sát, phiên giải trình. Về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, nhất là liên quan đến mối quan hệ phối hợp, đồng chí Nguyễn Nam Đình đề nghị xây dựng chương trình công tác năm sát thực tế hơn nữa, đảm bảo có tính khả thi cao, với phương châm làm từ sớm, từ xa…

TẬP TRUNG KHẮC PHỤC HẠN CHẾ DO NGUYÊN NHÂN CHỦ QUAN

Kết luận nội dung cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý ghi nhận, đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội đạt được năm 2022 trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, về kinh tế - xã hội, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý, cần khắc phục một số hạn chế như: Việc triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia còn chậm, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, còn có những nguyên nhân chủ quan chẳng hạn quá trình phân bổ danh mục dự án còn chậm.

bna-img-9817-7637.jpg

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý kết luận nội dung thẩm tra. Ảnh: Thành Duy

Một số công trình, dự án trọng điểm mang tính “nút thắt” của tỉnh như Cảng nước sâu Cửa Lò, nâng cấp Sân bay Vinh... chuyển động vẫn chậm; số thu ngân sách tốt, tuy đạt cao nhưng cơ cấu thu từ tiền đất còn khá cao; nợ thuế vẫn còn cao.

Cùng với đó, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng lưu ý tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, dự án chậm tiến độ, chuyển đổi số, cải cách hành chính…

Liên quan đến đầu tư công, đồng chí Thái Thanh Quý đề nghị tiếp tục phát huy quan điểm, chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh và điều hành của UBND tỉnh trong bố trí vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm.

Tuy nhiên, trước thực tế tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, cần tăng cường đôn đốc, nhắc nhở tiến độ giải ngân; đặc biệt, đối với những dự án giải ngân chậm cần kiên quyết điều chuyển vốn sang các dự án giải ngân tốt, kịp thời.

bna-img-9701-268.jpg

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận công tác điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh trong năm 2022 đã rất quyết liệt, đặt ra yêu cầu cao, phối hợp tốt với các cơ quan Trung ương; phân công tương đối cụ thể, rõ ràng.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND tỉnh, trong thời gian tới, cần làm rõ, khắc phục việc xử lý một số vụ việc ở cấp UBND tỉnh còn chậm; cùng với đó, mặc dù có bước chuyển mạnh, công tác tham mưu vẫn còn một vài nội dung không rõ quan điểm; việc rà soát chương trình đầu năm và các công việc trong năm có nhiều điểm chưa sát; báo cáo, hồ sơ, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh vẫn còn chậm.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị, UBND tỉnh cần quan tâm công tác trả lời các kiến nghị của cử tri kịp thời hơn nữa; các ngành tham mưu của UBND tỉnh tập trung triển khai, xử lý các nội dung được HĐND, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát, giải trình, chất vấn và đã có thông báo kết luận.

bna-img-9856-8143.jpg Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu làm rõ một số nội dung UBND tỉnh chuẩn bị trình kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII. Ảnh: Thành Duy

Qua thẩm tra, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất thông qua 3 báo cáo trên của UBND tỉnh để trình kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh xem xét. Trong đó, có mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường gắn với các nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu năm 2023: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9-10%; thu ngân sách Nhà nước 15.857 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 2,870 tỷ USD; tổng nguồn đầu tư phát triển toàn xã hội 106.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 56-57 triệu đồng; kế hoạch nguồn vốn đầu tư công hơn 9.033 tỷ đồng…

Cũng trong phiên làm việc chiều 24/11, Thường trực HĐND tỉnh nghe và cho ý kiến về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 11, HĐND khóa XVIII; đánh giá kết quả hoạt động tháng 11, thống nhất nhiệm vụ tháng 12 năm 2022 của Thường trực HĐND tỉnh.

Thành Duy