Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên giải trình về công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động
Chiều 28/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay.
Các đồng chí: Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Chu Đức Thái - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Văn hoá và Xã hội, HĐND tỉnh chủ trì phiên giải trình.
Tham dự phiên giải trình có đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các một số sở, ngành và cấp huyện.
Chưa thực hiện triệt để các nội dung đã được kết luận
Trước khi tổ chức giải trình việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động: Thường trực HĐND tỉnh đã dành thời gian nghe đánh giá kết quả thực hiện các Thông báo kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay.
Bên cạnh đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành và các địa phương trong thực hiện các Thông báo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh ở các phiên giải trình trước liên quan đến 5 nội dung; các thành viên dự họp tiếp tục nêu một số vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc.
Chẳng hạn, công tác thu hồi đất từ 11 nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương để giao cho người dân còn vướng mắc, nhất là những diện tích có tài sản trên đất chưa được quy định cụ thể thời gian phải xử lý để có cơ sở thực hiện. Hay việc giải ngân nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia. Như tỷ lệ giải ngân hỗ trợ chuyển đổi nghề mới chỉ đạt 15,87 % so với kế hoạch vốn; trong khi đó, nguồn vốn được cấp cho 10 huyện, nhưng hiện nay chỉ mới có 4 huyện.
Việc sắp xếp, xử lý tài sản công sau sáp nhập tại một số địa phương còn lúng túng, bị động; mặt khác, thẩm quyền phê duyệt sắp xếp của tỉnh đang còn 140 cơ sở chưa được phê duyệt… Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tồn đọng chưa đạt kế hoạch do UBND tỉnh đề ra.
Trên cơ sở giải trình của một số sở, ngành liên quan, tại phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các kiến nghị đã nêu tại các Thông báo kết luận của 5 phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay. Đối với các khó khăn, vướng mắc đặt ra, cần xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, địa phương và trách nhiệm phối hợp trong từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo các khó khăn, vướng mắc được giải quyết triệt để.
Nhiều yếu kém trong đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động
Tổ chức giải trình việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh, chất vấn từ các thành viên Thường trực HĐND tỉnh và giải trình của các sở, ngành liên quan, cho thấy hoạt động đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn những vấn đề cần quan tâm hơn.
Toàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp với 395 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và 189 làng nghề. Các cơ sở, doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 8,6 vạn lao động và đóng góp ngân sách hơn 4.600 tỷ đồng/năm.
Từ năm 2021 đến nay, nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và phát huy vai trò giám sát của nhân dân, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đảm bảo môi trường an toàn lao động và sức khoẻ cho người lao động vẫn đang còn nhiều tồn tại và có nhiều lỗ hổng. Việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của các cơ sở, doanh nghiệp chưa cao, cùng với ý thức chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ sức khoẻ cho chính mình của người lao động còn hạn chế.
Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý nhà nước các sở, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, vừa ít số lượng doanh nghiệp được kiểm tra; chất lượng kiểm tra, giám sát chưa cao, phát hiện chậm những doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động và việc xử lý chậm, điển hình vi phạm tại Công ty TNHH Châu Tiến.
Từ những hạn chế đó, dẫn đến tai nạn lao động vẫn còn xảy ra khá nhiều, làm nhiều người lao động bị thương vong, nhiều người lao động bị bệnh nghề nghiệp gây ảnh hưởng suy giảm sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Bên cạnh đó, việc giải quyết chế độ chính sách cho lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp ở một số đơn vị còn chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Theo báo cáo của UBND tỉnh giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 44 vụ tai nạn lao động, làm 20 người tử vong, 17 người bị thương nặng, 22 người bị thương nhẹ. Trong năm 2023, qua khám bệnh nghề nghiệp và điều tra bệnh nghề nghiệp, toàn tỉnh phát hiện 82 người lao động bị bệnh nghề nghiệp.
Phát biểu tại phiên giải trình, đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận thực trạng chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân do cả chủ doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Nhận thức rõ trách nhiệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định sẽ chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các sở, ngành, tổ chức trên cơ sở kiểm tra, giám sát, đánh giá sát thực trạng theo từng nhóm, loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để làm rõ yếu và thiếu cái gì, từ đó đưa ra các giải pháp, đôn đốc chỉ đạo quyết liệt; gắn với đó là nghiêm túc hơn trong xử lý các cơ sở vi phạm.
Giám sát chặt chẽ việc thực thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp
Kết luận tại phiên giải trình, bên cạnh đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh và các ngành, địa phương, đồng thời thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế; đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh có những giải pháp quyết liệt, cụ thể để khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế đang đặt ra hiện nay.
Trọng tâm là tăng cường và đảm bảo hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo bước chuyển về nhận thức và hành động đối với chủ sử dụng lao động và lao động; gắn với giám sát chặt chẽ trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Cùng với đó là tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; xử lý nghiêm và kịp thời các sai phạm để ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm các sở, ngành, đơn vị trong giải quyết các vụ việc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhất là tại Công ty TNHH Châu Tiến.
Quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đầu tư, triển khai các biện pháp phòng ngừa, cải thiện môi trường lao động, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chủ động nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến việc giải quyết chính sách cho người lao động phù hợp với thực tiễn...
Mai Hoa