bna-img-0668-3120--n1.jpg
Toàn cảnh phiên thẩm tra của Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; cùng lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, các sở, ngành…

NHIỀU VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN LÀM RÕ

Tại cuộc làm việc, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành thẩm tra báo cáo về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; tờ trình, dự thảo nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2022; báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; dự thảo Nghị quyết về việc cho ý kiến đối với báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

bna-img-0519-6879.jpg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức báo cáo, làm rõ một số nội dung về tình hình kinh tế, đầu tư công của tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 46.426 tỷ đồng, tăng 8,44%, vượt so với kịch bản đề ra là 7,7 - 8,3% và so với cùng kỳ năm 2021 (6 tháng đầu năm 2021, GRDP tăng 7,43%). Với kết quả trên, Nghệ An đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, 18/63 tỉnh, thành trong cả nước về tốc độ tăng trưởng.

Tính đến ngày 15/6/2022, Nghệ An tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong công tác thu hút đầu tư với 50 dự án cấp mới và điều chỉnh 59 lượt dự án; qua đó, tổng vốn đầu tư đạt hơn 26.435 tỷ đồng, tăng 1,68 lần so với cùng kỳ.

Thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 10.100 tỷ đồng, đạt 67,4% dự toán. Đến ngày 20/6/2022, Nghệ An cũng đã giải ngân gần 2.842 tỷ đồng vốn đầu công, đạt 30,27%.

bna-img-0461-1159.jpg
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Cao Tiến Trung phát biểu ý kiến nêu lên những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là giá cả nguyên, vật liệu tăng cao. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm dưới sự điều hành của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, ý kiến Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan làm rõ một số nội dung, đặc biệt là giải pháp trong 6 tháng cuối năm nay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là trong bối cảnh giá cả đầu vào của nguyên, vật liệu tăng cao; tập trung phân bổ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia theo yêu cầu của Trung ương là đến tận địa chỉ.

bna-img-0486-2736.jpg
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi bày tỏ trăn trở về giải pháp kết nối cung - cầu lao động trước thực trạng doanh nghiệp thiếu lao động, trong khi nhiều lao động lại chưa tiếp cận được việc làm. Ảnh: Thành Duy

Ý kiến tại cuộc làm việc cũng đề nghị UBND tỉnh có giải pháp rõ hơn để xử lý một số nội dung như: tội phạm mua bán người, trẻ em ở miền núi; tình trạng khai thác đất, cát, sạn trái phép; công tác cải cách chính chưa đạt yêu cầu; chuyển biến đời sống kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm hơn so với các vùng khác; tình trạng tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo; vấn đề nước sạch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở thành phố Vinh; đào tạo nghề, kết nối cung - cầu lao động, việc làm; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản; giá đất qua đấu giá cao dẫn đến người dân, nhất là hộ khó khăn khó tiếp cận;…

bna-img-0499-8753.jpg
Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị có giải pháp cho một số vấn đề như: tình trạng nước sạch, nhất là ở thành phố Vinh; việc chi trả phụ cấp chống dịch cho nhân viên y tế. Ảnh: Thành Duy

Cho ý kiến vào tình hình kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề cập đến việc các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tuyển dụng lao động khó khăn, song nghịch lý là nhiều lao động lại chưa có việc làm. Mặt khác, trong các bệnh viện hiện thiếu thuốc và các vật tư y tế… Đây là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị có giải pháp; đồng thời đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn để đảm bảo an toàn giao thông.

bna-img-0587-6919.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu tiếp thu các vấn đề Thường trực HĐND tỉnh đặt ra tại phiên thẩm tra. Ảnh: Thành Duy

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh dự họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, UBND tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh, nhất là việc nâng cao chất lượng và đảm bảo thời gian trình các dự thảo nghị quyết; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh vật tư công trình xây dựng tăng rất cao; có giải pháp khắc phục việc thiếu vật tư và thuốc y tế; chất lượng nước sạch chưa đảm bảo…

CÓ GIẢI PHÁP CHO NHỮNG VẤN ĐỀ TÁC ĐỘNG SÂU ĐẾN CUỘC SỐNG NHÂN DÂN

Kết luận phiên thẩm tra, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý thống nhất với đánh giá của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, đối với báo cáo về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, nhấn mạnh đây là báo cáo trung tâm, có tính chất tổng quát, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu phải có tính khái quát cao, tổng hợp súc tích và đưa ra các giải pháp chính. Còn đối với các báo cáo chuyên đề còn lại cần phải được phân tích, đánh giá, đưa ra các giải pháp kỹ lưỡng, cụ thể.

bna-img-0634-1337.jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý kết luận phiên thẩm tra. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, qua các ý kiến thảo luận, đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cần bổ sung đánh giá các nội dung liên quan đến đào tạo nghề, việc bố trí nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho doanh nghiệp; đồng thời cần phân tích nguyên nhân chậm chi trả phụ cấp chống dịch Covid-19 cho nhân viên y tế; cũng như đánh giá thêm việc tôn vinh những người có công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cả trong ngành Y tế và nhân dân; thiếu hụt, vật tư y tế, thuốc men, đặc biệt là trong các bệnh viện công lập.

Về an ninh, trật tự trên địa bàn, trong báo cáo chuyên đề cũng cần phân tích, đánh giá thêm về tình hình tội phạm mạng; tội phạm ở khu vực miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: buôn bán người, buôn bán trẻ em, ma túy… Một số vấn đề về vi phạm môi trường trong sản xuất, kinh doanh, quản lý khai thác khoáng sản; trật tự, an toàn giao thông… qua đó, có giải pháp cho 6 tháng cuối năm.

bna-img-0679-3968.jpg
Các đại biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Khi đánh giá những nội dung trên, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý cần quan tâm đến phương hướng để có hệ thống báo cáo chất lượng, phân tích được đúng thực trạng, tình hình thực tiễn trong 6 tháng đầu năm; có giải pháp cho những vấn đề đã cảnh báo, phát sinh, tác động sâu đến tâm tư, tình cảm, cuộc sống của người dân.

Trong quá trình triển khai các giải pháp đối với báo cáo tổng thể, cũng như các báo cáo chuyên đề, người đứng đầu HĐND tỉnh cũng yêu cầu, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan quan tâm, lưu ý thêm giải pháp thực hiện các kết luận sau giám sát của HĐND tỉnh và phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh.

bna-img-0673-7412.jpg
Các đại biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đối với báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm 2022, ghi nhận những kết quả đạt được, tuy nhiên, qua các ý kiến thảo luận, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý kết luận yêu cầu cần đánh giá lại nguyên nhân việc tham mưu dự thảo một số nghị quyết, hồ sơ trình HĐND tỉnh không đáp ứng theo yêu cầu đặt ra, đặc biệt không đáp ứng đúng quy định việc ban hành. Qua đó, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu cần rút kinh nghiệm và nâng cao kỷ luật trong việc thực hiện; đồng thời cần phải quyết liệt nâng cao hơn nữa công tác cải cách hành chính.

Liên quan đến đầu tư công, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu phải đảm bảo chặt chẽ về mặt số liệu cần; đồng thời cần phải đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp; việc bố trí nguồn lực cho các công trình; lưu ý giải pháp để hoàn ứng sớm và đẩy mạnh thanh, quyết toán công trình; số hóa để theo dõi các công trình đầu tư công.

bna-img-0672-3290.jpg
Các đại biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Nhắc lại quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh quan điểm, vốn đầu tư công cần bố trí cho những công trình có tính lan tỏa, động lực, có khả năng ảnh hưởng lớn trước để hoàn thành ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ.

Mặt khác, UBND tỉnh cũng cần quan tâm phân bổ nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại cuộc làm việc, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã nghe và cho ý kiến về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 sắp diễn ra; đánh giá kết quả hoạt động tháng 6, thống nhất nhiệm vụ tháng 7.

Thành Duy