Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình Kỳ họp thứ 14
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh và các sở, ngành.
KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC TRONG BỐI CẢNH KHÓ KHĂN CHUNG
Trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường; suy thoái kinh tế thế giới làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng toàn cầu chậm lại, tăng trưởng thấp... đã tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng.
Trong bối cảnh đó, công tác lãnh đạo, điều hành của UBND tỉnh đã có nhiều nỗ lực, đạt được nhiều kết quả. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 5,79% (tính đến giữa tháng 5/2023), cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước. Hiện nay, số liệu tăng trưởng đang được các cơ quan chuyên môn rà soát đến 6 tháng đầu năm, dự ước GRDP sẽ tăng trưởng cao hơn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức khi tốc độ tăng trưởng chưa đạt kịch bản đề ra và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm và thiếu đơn hàng dẫn đến kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm 2,1% so với cùng kỳ và mới đạt 37,37% kế hoạch năm 2023. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước thực hiện 8.489 tỷ đồng, đạt 53,5% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 mặc dù cao hơn bình quân chung cả nước (tính đến ngày 31/5/2023, tỷ lệ giải ngân/kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao của Nghệ An đạt 26,09% (cùng kỳ năm 2022 đạt 28,71%); cả nước ước đạt 22,22%; nhưng vẫn thấp hơn so với kỳ vọng và cùng kỳ năm 2022; đặc biệt một số nguồn vốn giải ngân đạt thấp như: vốn nước ngoài (13,75%); chương trình mục tiêu quốc gia (19,18%).
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, việc tuyển dụng giáo viên sau khi tỉnh được bổ sung 2.820 biên chế thực hiện còn chậm; vấn đề lao động việc làm trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn cũng là những nội dung được Thường trực và lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh đề nghị làm rõ. Lãnh đạo các sở, ngành liên quan của UBND tỉnh giải trình, báo cáo, phân tích thêm về các nội dung trên, cũng như đưa ra các giải pháp, định hướng trong 6 tháng cuối năm.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị quan tâm nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết trình HĐND tỉnh, đặc biệt là rút gọn các thủ tục hành chính; đồng thời đề nghị Văn phòng UBND tỉnh tham mưu quy trình xử lý kiến nghị của cử tri, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ xử lý, trả lời, nhất là với những ý kiến, kiến nghị đã rõ.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cũng trao đổi một số nội dung liên quan đến việc xây dựng các nghị quyết, đặc biệt liên quan đến Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị Vinh, để hoàn thiện đề án cần ban hành Nghị quyết công nhận thành phố Vinh mở rộng là đô thị loại I; tuy nhiên theo Nghị định mới đây của Chính phủ, để ban hành được Nghị quyết trên đòi hỏi phải xây dựng chương trình phát triển đô thị. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị cơ quan chức năng cần sớm xây dựng chương trình này để hoàn thiện các điều kiện cần nhằm ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến của Thường trực, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh tại phiên thẩm tra để hoàn thành các báo cáo, dự thảo nghị quyết liên quan trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 14; đồng thời bày tỏ thống nhất với nội dung và chương trình kỳ họp.
THỰC HIỆN QUYẾT LIỆT CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ ĐẨY MẠNH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá cao công tác điều hành, lãnh đạo của UBND tỉnh trong bối cảnh rất khó khăn chung của cả nước.
Đặc biệt là tinh thần quyết liệt, gắn trách nhiệm với người đứng đầu; có trọng tâm, trọng điểm trong phân bổ nguồn vốn đầu tư, lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các tổ công tác của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh triển khai có hiệu quả, tạo ra được không khí cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu, nên đã đạt được những kết quả khá tích cực so với mặt bằng chung của cả nước.
Liên quan đến công tác chuẩn bị các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ 14 của HĐND tỉnh, đồng chí Thái Thanh Quý lưu ý, cần thống nhất số liệu giữa báo cáo trung tâm là báo cáo kinh tế - xã hội với các báo cáo chuyên đề; cũng như giữa các báo cáo chuyên đề với nhau.
Việc xây dựng các dự thảo nghị quyết phải đúng quy trình, kỹ thuật, căn cứ ban hành phải thống nhất; đặc biệt nội dung cần lưu ý các giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian 6 tháng cuối năm, đặc biệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; đồng thời nhấn mạnh, bổ sung thêm một số nội dung: Đánh giá tổng kết Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An; xây dựng chương trình hành động và triển khai Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An; gắn với công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 khi được phê duyệt.
Đối với đầu tư công, người đứng đầu HĐND tỉnh Nghệ An thống nhất cách thức giải trình của các sở, ngành liên quan. Qua đó cho thấy, một trong những tồn tại, vướng mắc lớn dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công còn thấp đó là chất lượng chủ đầu tư còn thấp, đặc biệt là ở ban quản lý dự án cấp huyện.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị cần phải có giải pháp mạnh, qua đó, đánh giá lại công tác cán bộ. Cụ thể là ở nơi nào việc giải ngân chậm diễn ra trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ cần yêu cầu cấp huyện thay đổi, sắp xếp lại cán bộ ban quản lý dự án ở đó; đồng thời có thể chuyển dự án ở huyện về cho Ban Quản lý dự án của tỉnh và 2 sở còn ban quản lý dự án để thực hiện; tăng cường hướng dẫn tập huấn cập nhật kiến thức mới, quy định mới về đầu tư công.
Về công tác kiểm tra, đôn đốc, điều chỉnh giải ngân vốn đầu tư công, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đánh giá cao, ủng hộ UBND tỉnh đã chủ động điều chỉnh ngay trong 6 tháng đầu năm đối với các nguồn vốn thuộc thẩm quyền mà giải ngân chậm; đồng thời khẳng định HĐND tỉnh sẵn sàng tổ chức các kỳ họp chuyên đề để điều chuyển các nguồn vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền.
Đồng chí Thái Thanh Quý cũng lưu ý, cần tổng hợp những bất cập về quy trình, thủ tục liên quan đến Trung ương để tiếp tục kiến nghị, đề xuất; còn những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh còn rườm rà, chưa khoa học thì cũng cần nghiên cứu đề xuất điều chỉnh kịp thời nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Nhấn mạnh lại ý nghĩa của việc tỉnh được Trung ương phân bổ 2.800 biên chế giáo viên, cũng như quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là cần triển khai sớm, chặt chẽ, đúng quy trình, có sự kiểm soát, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong quá trình tuyển dụng; ưu tiên cho những giáo viên hợp đồng đủ tiêu chuẩn, điều kiện đang trực tiếp giảng dạy; ngoài các nguyên nhân khách quan, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đã chỉ rõ trách nhiệm của bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện và Sở Nội vụ khi triển khai công tác tuyển dụng chậm và yêu cầu báo cáo cụ thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong phiên họp thường kỳ tháng 6/2023.
Về công tác thẩm tra các dự thảo nghị quyết của các Ban HĐND tỉnh, đồng chí Thái Thanh Quý cũng lưu ý cần tiến hành hàng tháng khi UBND tỉnh gửi hồ sơ; không chờ đến gần kỳ họp mới thẩm tra một lúc. Thành phần thẩm tra cần gọn, có giám đốc và phó giám đốc lĩnh vực của sở, ngành tham mưu dự thảo nghị quyết đó; không bắt buộc phải mời Thường trực UBND tỉnh dự.
Tại các kỳ họp của HĐND tỉnh, đồng chí Thái Thanh Quý cũng đề nghị các thành viên UBND tỉnh dự họp đầy đủ, nhất là tại phiên thảo luận hội trường, thông qua dự thảo nghị quyết. Các đại biểu HĐND tỉnh cũng cần coi việc tham dự đầy đủ các kỳ họp là nhiệm vụ quan trọng để thay mặt cho cử tri, nhân dân quyết sách những vấn đề lớn, quan trọng cho sự phát triển của tỉnh.
Cũng tại phiên làm việc, Thường trực HĐND tỉnh đã nghe và cho ý kiến về một số nội dung khác như: Công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh; đánh giá kết quả hoạt động tháng 6; bàn và thống nhất nhiệm vụ tháng 7…
Thành Duy