Nhiều khó khăn, vướng mắc
Sáng 20/4, Thường trực HĐND tỉnh có cuộc khảo sát và làm việc tại huyện Nam Đàn liên quan đến công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập địa giới hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là hoạt động để chuẩn bị nội dung phục vụ phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh dự kiến tổ chức vào tháng 5 năm 2022. Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm trưởng đoàn khảo sát. Ảnh: Mai Hoa
Đoàn đã dành thời gian khảo sát thực tế một số cơ sở vật chất dôi dư do sáp nhập tại thị trấn Nam Đàn. Đối với trụ sở UBND thị trấn (cũ) được xây dựng và đưa vào sử dụng mới được 3 năm tính đến thời điểm sáp nhập và hiện nay diện tích đất chưa được cấp quyền sử dụng đất. Cho nên để đấu giá khó khăn do chưa có bìa đất và công năng sử dụng để phù hợp với tổ chức trúng thầu cũng khó đáp ứng.
Khảo sát đối với 3 nhà văn hóa dôi dư tại khối Phan Bội Châu và khối Quang Trung, thị trấn Nam Đàn đều có diện tích nhỏ 70 - hơn 100 m2 và nằm xen trong khu dân cư, đề xuất của thị trấn là cho bán đấu giá làm nhà ở dân cư, tránh lãng phí tài sản công.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn báo cáo với đoàn khảo sát liên quan đến đề xuất phương án xử lý tài sản công dôi dư cho sáp nhập. Ảnh: Mai Hoa
Làm việc với UBND huyện Nam Đàn, theo báo cáo của huyện, thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, Nam Đàn tiến hành sáp nhập 8 xã thành 3 xã; sáp nhập 308 xóm thành 124 xóm.
Huyện cũng sáp nhập các trạm Khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật, Trạm Thú y thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện; sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Dạy nghề thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; sáp nhập Trung tâm VHTT-TT với Đài Truyền thanh - Truyền hình thành Trung tâm VH, Thể thao và Truyền thông huyện Nam Đàn; sáp nhập Trung tâm Y tế với Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn.
Ông Cao Tiến Trung - Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị huyện Nam Đàn cần làm rõ phương án xử lý từng tài sản cụ thể để có cơ sở thực hiện nhanh, tránh lãng phí tài sản. Ảnh: Mai Hoa
Việc thực hiện sáp nhập đã dôi dư 363 tài sản công. Trên cơ sở rà soát và tiếp thu ý kiến đề xuất từ cơ sở và người dân, huyện Nam Đàn đã xây dựng phương án xử lý tài sản dôi dư đối với 363 tài sản để trình Sở Tài chính và UBND tỉnh.
Cụ thể có 176 tài sản đề xuất giữ lại để sử dụng; thu hồi 6 tài sản; sắp xếp chuyển giao về địa phương quản lý 5 tài sản; tài sản đề xuất bán đấu giá 173 tài sản.
Bà Đặng Thị Vân Anh - Phó trưởng phòng Quản lý giá và Công sản, Sở Tài chính tham gia ý kiến tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa
Tại cuộc làm việc, huyện Nam Đàn cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng phương án sắp xếp. Đáng quan tâm là một số trụ sở, nhà văn hóa chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý do chưa được cấp quyền sử dụng đất, chưa thể hiện trong hồ sơ địa chính; mặt khác tài sản trên đất là nhà văn hóa do Nhân dân đóng góp xây dựng là chủ yếu.
Một số nhà văn hóa có vị trí không thuận lợi, quy mô diện tích nhỏ hẹp, tài sản trên đất hầu như đã bị khấu hao do xây dựng thời gian dài nên phương án sắp xếp, xử lý gặp khó khăn.
Đoàn khảo sát tại nhà văn hóa khối Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn. Ảnh: Mai Hoa
Tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao việc triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp và khối, xóm cũng như triển khai các giải pháp giải quyết các vấn đề “hậu” sáp nhập liên quan đến cán bộ dôi dư và hiện tại đang thực hiện quy trình xử lý các tài sản công dôi dư.
Trên cơ sở khảo sát thực tế, nghe UBND huyện báo cáo và ý kiến thảo luận của các thành viên tham gia đoàn khảo sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị huyện Nam Đàn tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ, trong đó quan tâm làm rõ phương án xử lý chi tiết đối với từng tài sản, bởi mỗi tài sản có vị trí, diện tích và tính chất riêng.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa
Gắn với đó, huyện cần phối hợp cùng Sở Tài chính thẩm định, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý những tài sản nào đủ điều kiện theo hình thức cuốn chiều, tránh kéo dài lãng phí.
Đối với những tài sản chưa đủ hồ sơ thì cần tập trung để hoàn thiện trình tỉnh, tránh để sau kỳ bầu xóm trưởng và Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2022 - 2025 với bộ máy mới thì càng chậm.
Đoàn khảo sát tại nhà văn hóa khối Tây Hồ. Ảnh: Mai Hoa
Huyện cũng cần tăng cường chỉ đạo các cơ sở quản lý tài sản công theo đúng quy định, bởi thực tế hiện nay có một số cơ sở đang cho thuê sử dụng vào mục đích khác. Mặt khác cần chỉ đạo quản lý chặt chẽ nguồn tiền thu được từ cho thuê tài sản theo luật.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình cũng đề nghị Sở Tài chính đẩy nhanh tiến độ thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt những trường hợp đủ điều kiện của các địa phương, khắc phục việc lãng phí tài sản công. Đồng thời tập trung hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
Đoàn khảo sát trụ sở thị trấn cũ dôi dư. Ảnh: Mai Hoa
Mai Hoa