Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Cùng tham dự cuộc họp có các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Cần có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế
Thẩm tra 8 báo cáo của UBND tỉnh về kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ năm 2024, đầu tư công và dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; các thành viên dự họp cơ bản đồng tình nội dung do UBND tỉnh trình; đồng thời góp ý bổ sung thêm một số nội dung, nhất là đánh giá việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; công tác triển khai thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành, trong đó có thủ tục hành chính.
Liên quan đến công tác cải cách hành chính, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi cho rằng: Ở góc độ người dân, doanh nghiệp thì công tác cải cách hành chính còn đặt ra nhiều băn khoăn; việc kết nối giữa các sở, ngành trong giải quyết thủ tục hành chính chưa thật sự thuận lợi, vì vậy, cần có giải pháp thực chất hơn.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm sắp xếp các cơ sở đào tạo nghề, đảm bảo hoạt động có hiệu quả; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra về an toàn lao động; chú trọng công tác nghiên cứu, đảm bảo cung ứng giống cây, con chất lượng, để từ đó nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị UBND tỉnh cần đánh giá rõ các yếu tố khách quan, chủ quan, gắn trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và đề ra các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội; trong đó, có 4/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch đề ra, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ đô thị hóa.
Một vấn đề được nhiều thành viên tham gia thẩm tra đặt ra là UBND tỉnh cần đánh giá, xem xét trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ngành và giữa các sở, ngành với các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế -xã hội, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chung của tỉnh.
UBND tỉnh cũng cần bổ sung giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy; đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao; thu hồi dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất sai mục đích; quan tâm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; chăm lo an sinh xã hội...
Phát biểu tại cuộc thẩm tra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã tiếp thu, giải trình và mong muốn Thường trực HĐND tỉnh cùng tiếp tục trăn trở, đưa ra các giải pháp thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; nâng cao giá trị tiêu thụ các sản phẩm OCOP; thu hồi các dự án chậm tiến độ;...
Quyết liệt điều hành để các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024 đạt ở mức cao nhất
Kết luận thẩm tra về các báo cáo, dự thảo nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đánh giá cao sự chủ động của UBND tỉnh trong xây dựng kế hoạch và kịch bản điều hành, đưa ra biện pháp để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với 24/28 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có nhiều mảng sáng, nhất là thu hút FDI.
Nhấn mạnh năm 2024 là năm tập trung cao độ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm kỳ đại hội 2020 - 2025, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành cần bám Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX và các chính sách mới để tập trung chỉ đạo, điều hành với các giải pháp quyết liệt để các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024 đạt ở mức cao nhất.
Cùng với đó, quan tâm xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; tích cực nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù và vượt trội cho tỉnh để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
Liên quan đến nguồn lực đầu tư, đồng chí Nguyễn Nam Đình đề nghị UBND tỉnh quan tâm đến nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguồn lực từ đất đai; đồng thời, bố trí nguồn lực hợp lý, trong đó sử dụng nguồn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và tăng ngân sách chi cho đầu tư phát triển. Đồng thời tiến hành rà soát các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành; chính sách nào thật sự có tác động và hiệu quả lớn thì tập trung ưu tiên nguồn lực; chính sách nào đối tượng thụ hưởng không nhiều, manh mún thì cần mạnh dạn đề xuất bãi bỏ.
Thường trực HĐND tỉnh cũng dành thời gian thẩm tra một số báo cáo và dự thảo nghị quyết về hoạt động của Thường trực và HĐND tỉnh năm 2023, nhiệm vụ năm 2024; dự thảo nghị quyết về giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Mai Hoa