Theo báo cáo trả lời chất vấn của UBND huyện tại phiên họp Thường trực HĐND huyện khóa XX về công tác quản lý nhà nước về dạy thêm, học thêm và tình trạng bạo lực học đường, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường trên địa bàn tăng cường quản lý việc dạy thêm, học thêm; triển khai thực hiện đúng các quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm; công bố số điện thoại đường dây nóng của phòng Giáo dục và Đào tạo để tiếp nhận thông tin phản ánh về các cá nhân, đơn vị tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng quy định; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện…Tuy nhiên, một số trường đến nay vẫn chưa xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm; tình trạng dạy thêm, học thêm ngoài trường học vẫn còn phổ biến. Cá biệt có địa phương phát triển dạy thêm, học thêm theo chiều hướng thương mại hóa gây bức xúc trong dư luận cử tri và Nhân dân.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Thanh Chương thời gian gần đây xảy ra một số vụ bạo lực học đường gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của học sinh, cũng như sự lành mạnh, tốt đẹp vốn có của môi trường học đường. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do sự tác động của mặt trái phim ảnh, mạng xã hội…; các quy định xử lý học sinh vi phạm bạo lực học đường chưa thật cụ thể và chưa đủ sức răn đe; một số giáo viên thiếu gương mẫu, không kiểm soát được cảm xúc dẫn đến có những hành vi bạo lực học đường; nhiều nhà trường có lúc, có khâu chưa có giải pháp kịp thời, hữu hiệu để dự báo trước nguy cơ bạo lực học đường và vi phạm pháp luật để ngăn ngừa kịp thời…
Trên cơ sở báo cáo của UBND huyện, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề nghị UBND huyện giải trình những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về dạy thêm, học thêm và bạo lực học đường trên địa bàn; đề nghị thông tin rõ về việc tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; qua kiểm tra đã phát hiện được bao nhiêu tổ chức, cá nhân vi phạm và đã xử lý được bao nhiêu trường hợp; để xảy ra vụ bạo lực học đường trên địa bàn huyện trách nhiệm thuộc về ai;....
Sau phần giải trình của UBND huyện, đồng chí Nguyễn Hải Dương - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã phát biểu kết luận buổi làm việc, trong đó yêu cầu: Đối với việc dạy thêm và học thêm, UBND huyện cần tăng cường công tác quản lý nhà nước; chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; chấn chỉnh kịp thời các hoạt động dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, chấn chỉnh việc tổ chức dạy thêm, học thêm trên địa bàn; kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý điều hành, thu, chi và phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường; đổi mới công tác ra đề, kiểm tra định kỳ, thi học kỳ đảm bảo nghiêm túc, đánh giá khách quan và nâng cao chất lượng dạy học; không để xảy ra tình trạng giáo viên của trường tự tổ chức dạy thêm, học thêm, có hành vi tiêu cực, bắt ép học sinh học thêm; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện về quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn.
Về tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn huyện, yêu cầu UBND huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về công tác phòng, chống bạo lực học đường. Tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội; xây dựng môi trường sống trong cộng đồng và văn hóa học đường xanh, an toàn, thân thiện. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội về phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn trong học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cần tập trung chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường gắn với việc xây dựng kịch bản ứng phó, giải quyết, xử lý các vấn đề, tình huống xảy ra; nghiên cứu tăng thời lượng giáo dục kỹ năng sống, tích cực lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật. Xây dựng, triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội trong học sinh tại địa phương.