Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Xuân Dinh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện và các thành viên trong Đoàn giám sát, đại diện các phòng chuyên môn liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc

Huyện Quỳnh Lưu hiện có 88 Hợp tác xã (HTX) với vốn điều lệ gần 73 tỷ đồng, trong đó có 74 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 88,09%. Tính đến thời điểm này, tổng số thành viên của các HTX trên địa bàn huyện là 33.250 thành viên. Hàng năm, doanh thu bán hàng và các dịch vụ kinh doanh khác của HTX đạt hơn 145 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 – 2023, toàn huyện có 10 HTX thành lập mới, góp phần phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động.

Trong thời gian qua, huyện đã tập trung hướng dẫn các HTX nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động sau chuyển đổi sang mô hình kiểu mới. Đồng thời, tiếp tục củng cố hoạt động của khu vực kinh tế tập thể gắn phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương phối hợp với HTX áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch... mở rộng quy mô sản xuất, cơ sở chế biến, tạo các sản phẩm chất lượng cao. Chỉ đạo các HTX thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Qua đánh giá, rà soát, phân loại các HTX nông nghiệp của UBND huyện thì hiện có 16 HTX hoạt động hiệu quả, 31 HTX hoạt động khá, 12 HTX hoạt động trung bình.

Đồng chí Nguyễn Văn Trường – HUV, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả hoạt động của các làng nghề

Đối với làng nghề, đến hết năm 2023, 21/33 xã, thị trấn của huyện Quỳnh Lưu có làng nghề, với 41 làng nghề được công nhận, chiếm 21,6% tổng số làng nghề toàn tỉnh. Toàn huyện hiện có khoảng 3.700 hộ tham gia hoạt động tại các làng nghề, với số lao động hơn 7.000 người. Về thu nhập bình quân đạt từ 4 - 4,2 triệu đồng/lao động/tháng. Sự phát triển làng nghề đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông thôn theo hướng tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn giám sát đã tập trung thảo luận, trao đổi, nêu bật những kết quả hoạt động của HTX và làng nghề trên địa bàn huyện. Đồng thời, chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Tiếp tục rà soát những HTX hoạt động không hiệu quả để có hướng giải thể và khuyến khích những HTX hoạt động hiệu quả mở rộng quy mô sản xuất; tạo điều kiện về quỹ đất để một số HTX xây dựng trụ sở, văn phòng làm việc; tích cực tìm kiếm và liên kết với nhiều công ty để bao tiêu sản phẩm ổn định, lâu dài cho xã viên; chú trọng quảng bá sản phẩm của các làng nghề, HTX; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân; tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm của một số làng nghề...

Đồng chí Võ Thị Vân – Huyện ủy viên, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, HĐND huyện nêu những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của các làng nghề, HTX khi thực hiện giám sát

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hồ Sỹ Nguyệt, Phó Chủ tịch HĐND huyện đề nghị UBND huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước các cấp theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023; xây dựng kế hoạch phát triển và củng cố, kiện toàn, duy trì, đổi mới bộ máy hoạt động của các HTX trên địa bàn; kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể của huyện và duy trì hoạt động theo quy chế làm việc; hướng dẫn rà soát, đánh giá kết quả tổng thể của các HTX, từ đó kiến nghị giải thể những HTX hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động; xây dựng gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của HTX; định hướng cho HTX trong khâu liên kết với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phát triển kinh tế tập thể của HTX.

Đồng chí Hồ Sỹ Nguyệt – Phó Chủ tịch HĐND huyện phát biểu kết luận buổi làm việc

Đối với làng nghề, Phó Chủ tịch HĐND huyện đề nghị tiếp tục tăng cường quảng bá làng nghề và các sản phẩm trong làng nghề; đánh giá, rà soát, định hướng hoạt động của các làng nghề chuyên nghiệp, mở rộng đa dạng hóa sản phẩm đảm bảo chất lượng, nhằm tạo sản phẩm đặc trưng của huyện; quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề, sớm đưa các hộ làm nghề hoạt động tập trung xa khu dân cư; đổi mới, phát triển khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất và tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững; tập trung đào tạo nghề, tập huấn nâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm làng nghề; tổ chức cho các làng nghề trên địa bàn đi học tập kinh nghiệm những mô hình có hiệu quả trong và ngoài tỉnh; rà soát, đánh giá thực chất hoạt động; kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận những làng nghề không hoạt động; kiến nghị về chính sách, cơ chế hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn của làng nghề./.

Đoàn giám sát của HĐND huyện giám sát tại làng nghề mây tre đan xã Quỳnh Diễn