HƯỚNG TỚI 79 NĂM NGÀY BẦU CỬ ĐẦU TIÊN CỦA HĐND TỈNH NGHỆ AN (24.2.1946 - 24.2.2025)
Thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương
Truyền thống vẻ vang
Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội. Tiếp đó, ngày 9.11.1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua Hiến pháp năm 1946.
Tại Nghệ An, sau khi tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, việc thành lập chính quyền cách mạng lâm thời trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện miền núi phía Tây gặp nhiều khó khăn; phần lớn đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ đều nghèo đói, không biết chữ, rất dễ bị các thế lực phản động xúi giục, lôi kéo, ép buộc chống phá chính quyền cách mạng non trẻ. Ở các huyện biên giới của Lào tiếp giáp với huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, các toán quân Pháp rút về tập trung tại đồn Noọng Hét; cuối năm 1945 đầu năm 1946, quân đội Pháp đã lôi kéo, câu kết với lực lượng nội phản ngấm ngầm chống phá cách mạng, làm cho tình hình chính trị - xã hội ở các huyện biên giới càng bất ổn. Tại các huyện trung du, đồng bằng ven biển, trận lũ lụt lịch sử làm vỡ nhiều đoạn đê 42 dọc sông Lam, gây ngập lụt tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và thị xã Vinh.

Trong bối cảnh đó, việc thành lập ngay chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng để xóa bỏ các thế lực phản động, ổn định đời sống chính trị, kinh tế - xã hội; yêu cầu xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng từ làng xã, huyện... trên toàn tỉnh, huy động sức mạnh vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp Nhân dân đẩy lùi giặc đói, giặc dốt, xây dựng đời sống mới càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ đầu tháng 1.1946, Tỉnh ủy, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An đã gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện cho ngày Tổng tuyển cử… Từ mờ sáng ngày 6.1.1946, hàng vạn cử tri không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, dân tộc đã nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Kết quả, các đại biểu do Mặt trận Việt Minh tỉnh giới thiệu như: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Tôn Thị Quế, Hồ Văn Ninh, Tạ Quang Bửu... đều trúng cử với số phiếu hơn 95%.
Cùng với đó, ngày 24.2.1946, cuộc bầu cử HĐND tỉnh cũng được tiến hành thắng lợi với sự tham gia của đại bộ phận cử tri, bầu 39 đại biểu tham gia HĐND tỉnh. Ngày 23.3.1946, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa I khai mạc phiên họp đầu tiên. Riêng các địa phương trong tỉnh, do nhiều nguyên nhân, việc tổ chức bầu cử HĐND các cấp không diễn ra trong cùng một thời gian và hoàn thành vào cuối tháng 5.1946.
Các cuộc bầu cử HĐND các cấp lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực sự là ngày hội lớn của Nhân dân Nghệ An; thể hiện lòng yêu nước, niềm tin tưởng sâu sắc với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện ý chí độc lập dân tộc, quyết tâm bảo vệ, xây dựng chính quyền cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh… Qua đó, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tuyển cử trên phạm vi toàn quốc, đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ đất nước có một Quốc hội, Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc và giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nỗ lực phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động
Trên suốt chặng đường 79 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, HĐND tỉnh Nghệ An đã không ngừng nỗ lực khẳng định vai trò, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, hoàn thành xuất sắc mọi sứ mệnh Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho. Đó là, trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, HĐND tỉnh Nghệ An đã cùng hệ thống chính trị và Nhân dân toàn tỉnh gánh vác những trọng trách hết sức nặng nề: “vừa ra sức xây dựng, bảo vệ hậu phương, vừa nỗ lực chi viện cho tiền tuyến”; phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Đặc biệt, sau thống nhất và đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, HĐND tỉnh đã luôn kịp thời có những quyết sách quan trọng trên tất cả các mặt, nỗ lực cùng cấp ủy, chính quyền, đưa Nghệ An từ một tỉnh nghèo, cơ sở vật chất lạc hậu, hạ tầng kinh tế - xã hội thấp sau chiến tranh, vươn lên trở thành tỉnh khá về nhiều mặt… Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, đến hết năm 2024 đạt hơn 216.943 tỷ đồng (đứng thứ 10 cả nước); đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình và Đoàn khảo sát một số công trình, dự án đầu tư công trọng điểm. Nguồn: Báo Nghệ An
Nhiều năm qua, cùng với quá trình hoàn thiện thể chế pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các văn bản quy phạm pháp luật xác định rõ hơn vị thế pháp lý của tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp, HĐND tỉnh Nghệ An ngày càng được hoàn thiện về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ… Cùng với đó, được thành lập từ khi có Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1989, Thường trực HĐND tỉnh luôn thực hiện đầy đủ và có hiệu quả chức năng của mình trong tổ chức các kỳ họp của HĐND tỉnh; đôn đốc, kiểm tra UBND tỉnh thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh; giám sát việc thi hành pháp luật tại Nghệ An; tiếp dân, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; phê chuẩn kết quả bầu HĐND cấp huyện; trình HĐND tỉnh bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu...
Bước vào nhiệm kỳ mới 2021 - 2026, kế thừa những thành quả của các nhiệm kỳ trước, HĐND tỉnh Nghệ An đã nỗ lực đổi mới phương thức tổ chức hoạt động. Thường trực, các Ban HĐND tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động giám sát, chất vấn; đeo bám, đôn đốc giải quyết các vấn đề tồn tại, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh; quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri kịp thời, có chất lượng... Các hoạt động thiết thực ấy đã ngày càng khẳng định rõ nét vai trò của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội; xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, cùng toàn Đảng bộ và Nhân dân nỗ lực hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra, góp phần xây dựng Nghệ An sớm trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc và cả nước.