Sau hơn 3 năm thực hiện (2021-2023), các tiêu chí văn hóa được triển khai đồng bộ, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Chương trình, tiêu chí văn hoá trong xây dựng nông thôn mới cũng đặt ra những vấn đề cần được nghiêm túc xem xét, giải quyết.
Văn hóa là nền tảng, mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới
Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Quan điểm này tiếp tục được nhấn mạnh rõ hơn trong mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Hiện thực hóa những mục tiêu này, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã quy định bộ tiêu chí gồm 19 tiêu chí để đo mức độ đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có hai tiêu chí về văn hóa là cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6) và văn hóa (tiêu chí số 16). Hai tiêu chí trên thể hiện yêu cầu đạt chuẩn cả về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, về kết cấu hạ tầng và các thiết chế văn hóa, thể thao, vừa đặt ra các yêu cầu đạt chuẩn về nội dung mềm - giá trị cốt lõi của văn hóa. Ngoài ra, tiêu chí về văn hóa còn thể hiện trong nhiều tiêu chí khác như về y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông,…
Xây dựng và phát triển văn hóa ở nông thôn là tạo ra những giá trị mới của nông thôn, một nông thôn hiện đại với những giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động văn hóa, thể thao; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn/xóm văn hóa, thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã, cấp huyện tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các địa phương; xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xã hội nông thôn mới.
Chú trọng đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở
Trong thời gian qua, về cơ bản các địa phương đều đã quy hoạch thiết chế văn hóa - thể thao cấp xã và thôn, xóm gắn với quy hoạch nông thôn mới của các xã đã được phê duyệt. Trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã, cơ bản đảm bảo quy hoạch diện tích đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Đối với cấp huyện có 21/21 huyện, thành, thị đã quy hoạch đất thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện. Đối với xã có 359/411 xã có diện tích đất quy hoạch cho khu hội trường văn hóa và khu thể thao đa năng đạt chuẩn; đối với phường/thị trấn có 41/49 phường, thị trấn có diện tích đất quy hoạch cho khu trung tâm văn hóa, thể thao và sân tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao. Đối với thôn/bản/khối/xóm có 2.843/3.800 thôn có diện tích đất quy hoạch và quy mô cho khu nhà văn hóa, thể thao đạt chuẩn.
Bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể và cá nhân, vận động Nhân dân ở cơ sở tham gia đóng góp để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay toàn tỉnh có 20/21 huyện, thành, thị có Trung tâm văn hóa-thể thao, 18/21 sân vận động huyện, 8/21 huyện có nhà thi đấu do huyện quản lý và có 77 nhà thi đấu một môn, nhiều môn do các ngành, đơn vị trên địa bàn huyện quản lý. Về cấp xã có 446/460 xã có thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó có 339/460 xã có thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn. Đối với thôn/bản/khối/xóm có 3.751/3.800 thôn có nhà văn hóa-sân thể thao.
Phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn
Trong thời gian qua, việc bảo tồn, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai thực hiện. Hệ thống các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh được bảo tồn, tôn tạo thông qua hoạt động khoanh vùng cắm mốc bảo vệ, xây dựng bia dẫn tích, biển chỉ dẫn di tích được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, các loại hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái, gắn với bảo tồn giá trị văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, làng nghề truyền thống đã được hình thành và phát triển có hiệu quả tại nhiều địa phương, trong đó việc triển khai và xây dựng Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) về du lịch cộng đồng đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông mới. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 11 điểm du lịch cộng đồng đạt chuẩn 03 sao OCOP (Bản Nưa xã Yên Khê, bản Khe Rạn xã Bồng Khê, Du lịch cộng đồng Bản Xiềng xã Môn Sơn (huyện Con Cuông); Làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu); Điểm du lịch sinh thái tâm linh Đền - Chùa rú Gám, Điểm du lịch di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Đức Hoàng, Điểm Du lịch văn hóa tâm linh di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Đền Cả - Chùa Bảo Lâm và nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành); Điểm Du lịch Hòn Mát (huyện Nghĩa Đàn); Khu du lịch sinh thái HDT gắn du lịch đảo chè (huyện Thanh Chương); Dịch vụ du lịch cộng đồng Mường Lống (huyện Kỳ Sơn); Du lịch cộng đồng bản Huồi Cớ, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và du lịch Huồi Cớ (huyện Tương Dương).
Việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ các ngành, các địa phương thực hiện được 12 mô hình gồm: huyện Nam Đàn 05 mô hình, huyện Yên Thành 01 mô hình, huyện Anh Sơn 01 mô hình, huyện Con Cuông 01 mô hình, huyện Tương Dương 02 mô hình, huyện Quỳ Châu 01 mô hình, huyện Quế Phong 01 mô hình; đến quý 1 năm 2024, toàn tỉnh có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa - du lịch, gồm: các xã Kim Liên, Nam Giang, Nam Cát huyện Nam Đàn; xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu; UBND tỉnh đã tổ chức 05 lớp tập huấn kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn như: tổng quan về du lịch nông nghiệp, nông thôn, các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, quản lý và phát triển du lịch nông thôn, tiềm năng du lịch nông thôn ở Nghệ An,…
Việc triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác và phát huy các tiềm năng thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và các giá trị văn hóa của các địa phương trong tỉnh, bước đầu tạo ra sinh kế mới góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Nâng cao chất lượng cuộc sống văn hóa của người dân nông thôn
Trong quá trình thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nói chung và 2 tiêu chí về văn hóa nói riêng, các địa phương đã tích cực triển khai các phong trào, các cuộc vận động như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Toàn dân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Chung sức xây dựng nông thôn mới; Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới; Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, làng văn hóa, xây dựng gia đình 5 không 3 sạch,…Kết quả, có 737.186/851.151 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, có 2.563/3.804 khu dân cư đượ công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa; 1.767 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 787 dòng họ được công nhận dòng họ văn hóa; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 24,5%, người luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt 35,2%
Tổ chức, hoạt động của các thiết chế văn hóa thể thao từng bước được đổi mới, cơ sở vật chất được tăng cường, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thưởng thụ văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Toàn tỉnh có 21 đội tuyên truyền lưu động cấp huyện với khoảng 1.050 buổi hoạt động/năm phục vụ khoảng 840.000 lượt người xem, 3.905 đội văn nghệ quần chúng cấp xã, thôn, bản, khối xóm; 2.302 câu lạc bộ cấp huyện, xã. Các hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng, sinh hoạt câu lạc bộ, thông tin cổ động,…được tổ chức thường xuyên. Hàng năm mỗi xã tổ chức được từ 20 đến 30 buổi hoạt động văn hóa, thể thao tại chỗ.
Các hoạt động tại nhà văn hóa, khu thể thao thôn/xóm do các Chi hội xóm tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia nhất là các hoạt động thể thao quần chúng bóng chuyền hơi, bóng đá, dân vũ,…; tổ chức các hoạt động ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, chúc thọ người già, triển khai các nội dung họp thôn, họp chi bộ, xây dựng và tôn vinh gia đình văn hóa, làng, bản, đơn vị văn hóa, thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện 2 tiêu chí văn hóa vẫn còn một số khó khăn nhất định. Qua giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy công tác sắp xếp, quản lý tài sản công sau sáp nhập các đơn vị hành chính mặc dù đã được tập trung chỉ đạo nhưng đến nay một số nơi còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như trong việc thực hiện tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa xây dựng nông thôn mới, một số nhà văn hóa, công trình, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng đang không được sử dụng, lãng phí nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân.
Ngoài ra, việc xây dựng và nhân rộng mô hình văn hóa, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong nông thôn mới một số địa phương còn khó khăn. Việc quy hoạch đất sử dụng cho thiết chế văn hóa, thể thao nhất là sân thể thao của các thôn miền núi cao, thôn vùng biển, một số thôn thuộc thành phố Vinh còn khó khăn về quỹ đất;...
Giải pháp để thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
Để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần trong xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của nông thôn, hướng đến xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 6 và tiêu chí số 16 trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác quản lý tài sản công, khuyến khích Nhân dân phát huy hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao xã, thôn/xóm nhất là nhà văn hóa tại các thôn, xóm sau sáp nhập; không để xảy ra tình trạng lãng phí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao, lãng phí nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; đẩy mạnh nếp sống văn minh; đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động đối với phát triển văn hóa để văn hóa thực sự thu hút, góp phần vào xây dựng và phát triển nông thôn mới.
Bên cạnh đó cần tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong chỉ đạo cơ sở thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; lồng ghép thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách đã ban hành với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình văn hóa tiêu biểu gắn với bảo tồn, phá huy văn hóa truyền thống dân tộc trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động đối với phát triển văn hóa để văn hóa thực sự thu hút, góp phần vào xây dựng và phát triển nông thôn mới; tăng cường vận động cán bộ, Nhân dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng các thiết chế văn hóa nói riêng, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, việc tổ chức lễ hội;….