Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục, gồm: Tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục. Theo đó, xã đạt tiêu chí số 5 khi có 70% trở lên số trường (mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, TH&THCS) trên địa bàn xã có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; xã đạt chuẩn tiêu chí số 14 khi đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 2 trở lên, xóa mù chữ mức độ 2, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) đạt 70% trở lên. Huyện đạt chuẩn nông thôn mới khi có tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia từ 60% trở lên.

Xã Nam Thanh, Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục

Nhiều thuận lợi song cũng nhiều khó khăn

Triển khai thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới, ngành giáo dục và đào tạo đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, của địa phương; tổ chức sắp xếp, tinh gọn mạng lưới trường, lớp phù hợp với yêu cầu thực tiễn; ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí giáo dục; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học trên địa bàn theo tiêu chí của trường chuẩn quốc gia; thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở tất cả các cấp học…

Hàng năm ngành giáo dục và đào tạo đã tham mưu, tổ chức thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đến nay đã đạt vượt cận dưới mục tiêu kế hoạch đến năm 2025 (75%); góp phần thực hiện tốt tiêu chí về trường học trong các bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới cấp xã và cấp huyện. Lũy kế đến 30/8/2024 toàn tỉnh có 1.157 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 79,7%, ước đến năm 2025, toàn tỉnh có 80,3% trường đạt chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra (75-78%).

Chất lượng phổ cập giáo dục tiếp tục được nâng cao, Nghệ An là tỉnh thứ 25 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; thành phố Vinh là 1 trong 2 thành phố của Việt Nam được UNESCO công nhận “Thành phố học tập toàn cầu”; đến nay, có 21/21 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 21/21 đơn vị đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2; 21/21 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; hoàn thành Phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 11/21 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.

Việc đầu tư xây dựng trường chuẩn sẽ tạo điều kiện để các trường nâng cao chất lượng dạy học và triển khai các tiết học về kỹ năng

Chất lượng giáo dục toàn diện được khẳng định, kết quả thi tốt nghiệp THPT liên tục tăng so với các tỉnh: năm 2024, Nghệ An đạt vị thứ 12/63 tỉnh, tăng 10 bậc so với năm 2023; đứng thứ 4 cả nước với 90 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2023-2024 (trong đó có 8 giải Nhất, 38 giải Nhì, 33 giải Ba và 11 giải Khuyến khích); có 845 học sinh đạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2023 - 2024.

Những kết quả trên cộng với sự quan tâm đầu tư đúng mức cho tiêu chí giáo dục đã tạo bước đi vững chắc trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại (13/9/2024) toàn tỉnh có 320/411 xã đạt tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới, 101/411 xã đạt tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, 16/411 xã đạt tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và 6/20 huyện đạt tiêu chí giáo dục trong xây dựng Huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục đó là xã Nghi Văn (Nghi Lộc), xã Xuân Lâm (Nam Đàn), xã Nam Thanh (Nam Đàn) và xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới còn một số khó khăn; đa số các xã thiếu quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết khuôn viên từng nhà trường phù hợp với tổng thể và khu vực phục vụ hoạt động của cấp học, đặc biệt chưa dành nhiều diện tích khuôn viên cho hoạt động phát triển phẩm chất năng lực học sinh; công tác phổ cập, nâng cao chất lượng dạy và học vùng miền núi còn nhiều khó khăn; hiện nay tuy đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục nhưng cần có cơ chế chính sách đồng bộ để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động nguồn lực để đảm bảo mục tiêu về phổ cập giáo dục, tổ chức hoạt động trải nghiệm, rèn luyện phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh;…

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên còn thiếu so với quy định, hiện nay, so với định mức số người làm việc thì toàn tỉnh còn thiếu hơn 6.700 biên chế. Chia ra các cấp học thì mầm non thiếu hơn 1.500 người, tiểu học thiếu hơn 2.400 người, THCS thiếu hơn 1.700 người, THPT thiếu 526 người. Vì vậy, để đáp ứng đủ giáo viên cho năm học 2024 - 2025, Tỉnh đang trình Trung ương bổ sung hơn 6.500 biên chế cho các cấp học.

Tiếp tục triển khai các giải pháp

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh, trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như:

Thứ nhất, tập trung triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch về phát triển bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng miền núi, đề án đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông, kế hoạch chuyển đổi số ngành giáo dục, tạo đột  phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đến năm 2030.

Trường THCS Nghi Xuân Nghi Lộc

Thứ hai, rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển trường học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng kế hoạch kiểm tra, công nhận trường chuẩn quốc gia; tập trung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất có trọng điểm theo quy hoạch trường chuẩn quốc gia và theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới của các đơn vị; tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp phòng học đạt tiêu chuẩn trước (nhất là phòng học phát triển năng lực), theo yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng theo quy định trường chuẩn.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội và phụ huynh, gia đình học sinh, xây dựng môi trường lành mạnh để quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, huy động, lồng ghép mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đặc biệt đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng tiêu chí mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, phấn đấu đạt phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo 4 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (các huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đạt mức độ 3)./.