Phiên chất vấn do ông Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trực tiếp điều hành. Sau báo cáo giải trình của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có 7 đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn. Các câu hỏi chất vấn của đại biểu đã đề cập đúng, trúng trọng tâm các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, liên quan đến việc thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp vừa chậm, vừa chưa bao quát hết các đối tượng, tạo bức xúc trong Nhân dân, doanh nghiệp; đó còn là vấn đề nguồn nhân lực, bao gồm chất lượng đào tạo nghề; việc giải quyết việc làm và hiệu quả công tác giải quyết việc làm sau đào tạo…

08209cc01e55d50b8c44.jpg
Quang cảnh phiên chất vấn Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Kết luận phiên chất vấn về nội dung này, ông Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, các câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh rõ ràng, cụ thể, đúng nội dung, đi thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã nắm bắt tốt vấn đề cần giải trình, làm rõ các nội dung mà đại biểu chất vấn. Sau giải trình của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, có thêm giải trình của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh về vấn đề cử tri quan tâm.

Thay mặt chủ tọa kỳ họp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của UBND tỉnh, với sự tham mưu tích cực của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, sự phối hợp thực hiện có hiệu quả của các ngành, địa phương, đơn vị trong thực hiện các chính sách hỗ trợ cho lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ, chưa để xảy ra sai sót, trục lợi. Đặc biệt trong bối cảnh tỉnh đang tập trung cao độ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nguồn ngân sách Trung ương chưa về kịp, nhưng tỉnh đã rất nỗ lực trong việc chi trả kịp thời cho các đối tượng được hưởng chính sách.

92644307608dabd3f29c.jpg
Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Cùng với chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-9, UBND tỉnh cũng kịp thời triển khai đề án, kế hoạch giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn với nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối cung cầu lao động. Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực nhanh chóng thích ứng an toàn, sớm trở lại hoạt động, ổn định việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 đạt 93,98% kế hoạch là rất nỗ lực.

a35d886aa8e063be3af1.jpg
Đại biểu Lục Thị Liên (đơn vị huyện Con Cuông) đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng việc làm cho người lao động; việc hỗ trợ cho lao động nữ nuôi con nhỏ, đặc biệt là lao động ở vùng sâu vùng xa. Ảnh: Thành Cường

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng thẳng thắn nêu một số tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, trong thực hiện chế độ chính sách cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trong báo cáo giải trình của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, một số địa phương thực hiện chính sách chậm, nhưng qua số liệu và phản ánh của cử tri thì có “không ít” địa phương thực hiện các chính sách này chậm. Mặt khác, mặc dù ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu mở rộng thêm nhiều ngành nghề được hưởng chính sách hỗ trợ, nhưng trên thực tế việc chưa bao quát hết các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gây bức xúc trong một bộ phận lao động mất việc làm.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã có nhiều kết quả, với tỷ lệ lao động qua đào tạo của Nghệ An cho đến nay đạt 67,7%; nhưng qua trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì mới cấp chứng chỉ được cho 25%. Điều này có thể hiểu, cử tri băn khoăn về chất lượng đào tạo, ngành nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động, chưa đáp ứng được thị trường lao động là có cơ sở.

dai-bieu-phan-thi-minh-ly-yen-thanh-dat-cau-hoi--1.jpg
Đại biểu Phan Thị Minh Lý (Yên Thành) đặt câu hỏi cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về phương án để đảm bảo công bằng trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ và việc tham mưu điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp trong chính sách hỗ trợ hiện hành.

Đồng tình với các giải pháp được Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề cập trong phần giải trình và trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp tục đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện 5 vấn đề trong thời gian tới:

1. Đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các chính sách thời gian qua để tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai các giải pháp và bổ sung các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trên thực tế để giải quyết các chính sách hỗ trợ theo đúng nguyên tắc: hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và không để làm sai.

dai-bieu-ho-thu-trang-tx-hoang-mai-chat-van-lanh-dao-nganh-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi.jpg
Đại biểu Hồ Thu Trang (TX Hoàng Mai) chất vấn lãnh đạo ngành Lao động, Thương Binh và Xã hội

2. Đề nghị Sở Tài chính và các địa phương cần ưu tiên cân đối đủ nguồn lực để chi trả kịp thời cho các đối tượng đã được phê duyệt danh sách hỗ trợ. Hiện nay Chính phủ đã có Nghị quyết 126/NQ-CP và Quyết định 33/2021/QĐ-TTg điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, vì vậy đề nghị ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung tham mưu, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả để kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập hiện nay.

3. Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện kế hoạch, đề án giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 đã được UBND tỉnh phê quyệt có hiệu quả.

dai-bieu-ho-van-dam-quynh-luu-dat-cau-hoi.jpg
Đại biểu Hồ Văn Đàm (Quỳnh Lưu) đặt câu hỏi về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo việc làm cho người lao động

4. Trước mắt và lâu dài, cần đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động, nhất là khu vực nông thôn, miền núi; đào tạo nghề mà doanh nghiệp và đời sống sản xuất kinh doanh cần, để lao động có việc làm, thu nhập ổn định sau khi được đào tạo nghề. Cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo theo yêu cầu, đơn hàng của doanh nghiệp hoặc hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động. Khắc phục tình trạng số đông lao động không có việc làm, nhưng nhiều doanh nghiệp không thể tuyển đủ lao động do tay nghề không đáp ứng. Vấn đề này không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Lao động, Thương binh và Xã hội.

28f90d3b2eb1e5efbca0.jpg
Ông Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận nội dung chất vấn. Ảnh: Thành Cường

5. Gắn với thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19, cần quan tâm triển khai thực hiện tốt việc chăm lo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, nhất là việc chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn khi Tết Nguyên đán đã cận kề.

Minh Hà