Ngày 4/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023 tiếp tục duy trì đà “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước”.

Dù vậy, tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, sức ép lạm phát còn cao. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Trong khi, các gói tín dụng triển khai còn hạn chế. Thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà; một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được sửa đổi phù hợp…

img6076-1699071907619396995938-754.jpeg
Thủ tướng yêu cầu phát huy hơn nữa tinh thần phục vụ, thực sự đồng hành với người dân, doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phát huy những thành quả đạt được bài học kinh nghiệm, hóa giải khó khăn, thách thức, bám sát, nắm chắc tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, phản ứng chính sách kịp thời để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn trong tháng 11, 12.

Để tiếp tục phục vụ tốt nhất kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Trưởng ngành theo sát tình hình, chủ động chuẩn bị kỹ nội dung thuộc lĩnh vực theo dõi để sẵn sàng báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và chính sách khác.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu; kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi. Bám sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.

Thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước, có giải pháp đột phá, tạo thuận lợi thu hút nguồn lực đầu tư của toàn xã hội (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và hợp tác công tư), trong đó đẩy mạnh thu hút FDI có chọn lọc, có quy mô lớn, công nghệ cao.

Về xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, giữ vững, củng cố thị trường truyền thống và tích cực mở rộng thị trường mới. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, các FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)...

Về tiêu dùng, khai thác hiệu quả thị trường trong nước; thực hiện kích cầu tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung tháo gỡ khó khăn để mở rộng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, tạo việc làm, sinh kế cho người dân thông qua 6 giải pháp. Đó là tháo gỡ vướng mắc về thể chế, pháp lý; mở rộng thị trường cho mặt hàng thế mạnh; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục rườm rà, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; tạo thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai; tăng khả năng tiếp cận tín dụng; thực sự đồng hành với doanh nghiệp và người dân.

img6053-169906213904977652844-755.jpeg
Ảnh: VGP

Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh ngành, lĩnh vực chủ yếu. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; chủ động triển khai giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng (điện, xăng dầu). Khẩn trương áp dụng hóa đơn điện tử với bán lẻ xăng dầu; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao (vận tải, logistics, giáo dục, y tế, ngân hàng…); đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xúc tiến du lịch thị trường trọng điểm (Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh...).

Về y tế, giáo dục, Thủ tướng yêu cầu khắc phục bằng được việc thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế, hoàn thành dứt điểm dự án đầu tư bệnh viện đã kéo dài nhiều năm. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên mầm non, có giải pháp phù hợp về SGK đáp ứng yêu cầu xã hội hóa, yêu cầu quản lý, vừa bảo đảm chất lượng, vừa phù hợp với thu nhập của người dân…

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, phân cấp, phân quyền.