Cần tích hợp thông tin thực sự ổn định vào cơ sở dữ liệu
Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước; thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước.
Đánh giá cao đề xuất đổi mới này, cũng như nhiều đề xuất đổi mới khác tại dự thảo Luật, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng, những đổi mới sẽ thúc đẩy thay đổi phương thức quản lý hành chính Nhà nước, chuyển từ quản lý hành chính bằng bản giấy sang hình thức điện tử, hướng tới xây dựng và phát triển Chính phủ số, xã hội số… Tuy nhiên, đây là những đề xuất đổi mới rất quan trọng, nên theo đại biểu, rất cần được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đặc biệt là tác động với xã hội.
Theo quy định tại Điều 10 dự thảo Luật sẽ có 24 nhóm thông tin của công dân được thu thập, tích hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tán thành với các nhóm thông tin được thu thập, tích hợp này, song, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) băn khoăn khi khoản cuối cùng của Điều 10 lại quy định “ngoài những nhóm thông tin nêu trên sẽ còn thu thập, tích hợp cả những thông tin khác của công dân được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành”. Đại biểu đề nghị, cần cân nhắc thêm về quy định này, vì hiện nay có rất nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành như cơ sở dữ liệu chuyên ngành y tế, giáo dục, lao động, thuế, chứng khoán....
“Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bên cạnh để phục vụ quản lý nhà nước thì có một mục đích rất quan trọng là giúp người dân có thể thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính ở bất cứ địa điểm nào, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính. Tuy nhiên, những thông tin này liên quan trực tiếp đến các thông tin của công dân, trong đó có cả những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Do vậy, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát để quy định cụ thể những thông tin của công dân ngay trong luật”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị.
Với quy định tại dự thảo Luật, số nhóm thông tin của công dân được thể hiện trên thẻ căn cước của công dân sẽ tăng khá nhiều so với hiện nay. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, các trường thông tin càng đầy đủ sẽ càng tốt nhưng phải cân nhắc kỹ lưỡng sự cần thiết, giá trị về kinh tế và giá trị để phục vụ cho quản lý có thực sự xác đáng không? ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) nhận thấy, những thông tin được xác định sẽ thu thập, tích hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại dự thảo Luật có những thông tin thường xuyên thay đổi (như nơi tạm trú, tình trạng khai báo tạm vắng). Do đó, cần nghiên cứu quy định rõ những thông tin này có cập nhật hay không, bao lâu cập nhập lại một lần, cách thức cập nhật, cơ quan nào cập nhật những thông tin này…
Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm nếu thông tin công dân bị lộ lọt
Liên quan đến các chủ thể được khai thác thông tin, tại Điều 11 dự thảo Luật đã quy định các chủ thể được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất rộng, trong đó có những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Đơn cử như số điện thoại của công dân nếu không được quản lý một cách phù hợp thì sẽ gây phiền phức cho người dân.
Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, tổ chức sẽ có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nên mục đích khai thác, phạm vi khai thác thông tin khác nhau. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chỉ quy định về các chủ thể được khai thác thông tin, không quy định về phạm vi thông tin từng chủ thể được khai thác mà giao Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn.
“Đây là những thông tin liên quan trực tiếp đến công dân, trong đó có những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Do vậy, cần rà soát và quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật về phạm vi thông tin từng chủ thể được khai thác theo nguyên tắc “bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ” của từng chủ thể. Chỉ nên giao Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục của cái quá trình thu thập, khai thác thông tin”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị.
Bên cạnh xác định cụ thể thẩm quyền của các chủ thể được khai thác thông tin, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, quy định thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước phải được bảo vệ bí mật. Ngoại trừ các trường hợp cơ quan bảo vệ pháp luật cần khai thác khi một cá nhân vi phạm pháp luật, các trường hợp còn lại muốn khai thác dữ liệu phải được sự đồng ý của cá nhân người đó, kể cả các cơ quan, tổ chức chính trị cũng không được, ngoại trừ trường hợp có yêu cầu xác minh nhân thân.
Ngay cả với những trường hợp cá biệt được cơ quan chức năng chấp thuận cho khai thác thông tin cá nhân, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị, cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về tính bảo mật nếu thông tin cá nhân của công dân bị lộ lọt ra ngoài, bị kẻ xấu lợi dụng ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân.
Hồ sơ dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc và có chất lượng cao, Chính phủ cũng đã kịp thời có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội ngay sau khi họp. Nhưng do phạm vi điều chỉnh của dự luật này liên quan mật thiết đến người dân, có nhiều đề xuất đổi mới rất quan trọng, nên các đại biểu Quốc hội đề nghị, nội dung của dự thảo Luật cần được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đặc biệt là tác động với xã hội. Song song với hoàn thiện nội dung của dự thảo Luật, các cơ quan chức năng cần tích cực chuẩn các điều kiện cần thiết về hạ tầng, kỹ thuật, nhân lực… để thực thi các quy định mới này.