Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Quy định các trường hợp được hoãn, miễn, tạm đình chỉ việc chấp hành
Pháp lệnh quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (gọi chung là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc); trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Theo Pháp lệnh, Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị đề nghị cư trú hoặc Tòa án nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát về trình tự, thủ tục trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; tham gia các phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án theo quy định của Pháp lệnh này.
Điều 16 của Pháp lệnh quy định các trường hợp đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo đó, các trường hợp thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi gồm: người bị đề nghị đã chết; người bị đề nghị không thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy; người bị đề nghị là người mất năng lực hành vi dân sự; Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị rút đề nghị hoặc không bổ sung tài liệu theo quy định tại khoản 1, Điều 15 của Pháp lệnh này…
Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Pháp lệnh. Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 22); điều kiện tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian còn lại đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 31): trong Tờ trình, Cơ quan chủ trì soạn thảo nêu 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần quy định nội dung này trong dự thảo Pháp lệnh (dự thảo Pháp lệnh thể hiện loại ý kiến thứ nhất; loại ý kiến thứ hai cho rằng nội dung này đã được quy định chi tiết trong Nghị định số 116 tại các điều 57 và 58, nên không cần quy định lại tại dự thảo Pháp lệnh này).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp và ý kiến của các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành loại ý kiến thứ nhất của Tòa án Nhân dân Tối cao, bởi vì: Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116 năm 2021 của Chính phủ chưa quy định đầy đủ, bao quát hết các trường hợp cần thiết phải hoãn, miễn, tạm đình chỉ cho người phải chấp hành cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Nếu không quy định trong dự thảo Pháp lệnh thì thiếu căn cứ pháp lý để áp dụng, thi hành. Mặt khác, việc quy định trong dự thảo Pháp lệnh là phù hợp với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, dự thảo Pháp lệnh này cần quy định các trường hợp được hoãn, miễn, tạm đình chỉ việc chấp hành để bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của đối tượng áp dụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ảnh: Hồ Long
Về thủ tục thân thiện, Ủy ban Tư pháp thấy rằng, đối tượng áp dụng của Pháp lệnh này là người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi; việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có tính chất hỗ trợ chữa bệnh, không phải là biện pháp xử lý hành chính. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát để bổ sung, hoàn thiện thêm về thủ tục thân thiện và các yêu cầu để thực hiện có hiệu quả thủ tục này như: bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm thủ tục thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bổ sung các quy định các phiên họp phải được tổ chức thân thiện; phòng họp thân thiện, an toàn, vị trí chỗ ngồi thân thiện; yêu cầu đối với việc hỏi người bị đề nghị; các yêu cầu khác hỗ trợ người bị đề nghị; tham vấn ý kiến chuyên gia...
Thanh Chi