Thị trấn Thanh Chương đón nhận Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ và công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh
Dự Lễ kỷ niệm và trao Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ có đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện Thanh Chương; cùng cán bộ, nhân dân thị trấn Thanh Chương.
Đón nhận Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ
Mảnh đất thị trấn Thanh Chương có cách đây hàng vạn năm, thông qua các nhà khảo cổ học đã khai quật được những hiện vật của người Việt cổ, thuộc nền văn hóa Sơn Vi.
Thị trấn Thanh Chương được thành lập theo Quyết định số 141/QĐ-HĐBT, ngày 27/10/1984 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), trên cơ sở tách một phần diện tích, dân số của 3 xã: Đồng Văn, Thanh Đồng, Thanh Ngọc.
Thời kỳ đầu mới thành lập, quy mô thị trấn nhỏ, chỉ hơn 280 ha tự nhiên và dân số hơn 5.000 người. Tròn 27 năm sau ngày thành lập, thị trấn Thanh Chương tiếp tục được điều chỉnh, mở rộng với tổng quy mô diện tích tự nhiên 6,54 km2 trên cơ sở sáp nhập thêm một phần diện tích và dân số của 2 xã Thanh Ngọc và Đồng Văn, tại Nghị quyết số 96/NQ-CP, ngày 11/10/2011 của Chính phủ.
Do được thành lập trên cơ sở cư dân nông thôn, cho nên, ngoại trừ một số hộ dân thuộc cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, còn cơ bản là sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Điểm xuất phát thấp về đời sống dân cư và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng hết sức khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông.
Nhìn về những ngày đầu thành lập cách đây 40 năm để thấy sự phát triển hôm nay là một sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thị trấn Thanh Chương. Điều được thể hiện rõ nhất là kinh tế phát triển đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, trong đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thương mại chiếm tỷ trọng chủ yếu với 96% và nông nghiệp chỉ còn 4%. Trên địa bàn hiện có gần 1.000 hộ kinh doanh; 70 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 95 triệu đồng/người. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, từ giao thông đô thị, đến các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa gắn với các thiết chế văn hóa - thể thao các khu dân cư…
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng được cấp ủy, chính quyền và từng người dân chăm lo; góp phần nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa tinh thần và đảm bảo môi trường an toàn cho người dân thị trấn. Đặc biệt, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thị trấn đã đoàn kết, nỗ lực, chung sức, đồng lòng, thể hiện “ý Đảng - lòng Dân” là một để hoàn thành 9 tiêu chí đô thị văn minh và được UBND huyện Thanh Chương công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2024; được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc năm 2023.
Tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập và đón nhận Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ và quyết định công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thị trấn Thanh Chương có thêm động lực, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để phát triển thành đô thị loại IV theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời, tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng sau khi sáp nhập xã Thanh Lĩnh và Thanh Đồng vào thị trấn sắp tới.
Đặt ra yêu cầu phát triển cao hơn
Thay mặt lãnh đạo tỉnh và huyện Thanh Chương, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập, đón nhận Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ và công bố quyết định công nhận thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đã ghi nhận và biểu dương những kết quả của Đảng bộ và Nhân dân thị trấn đạt được thời gian qua.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cũng khẳng định: Sắp tới, khi Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của thị trấn Thanh Chương được Quốc hội phê duyệt sẽ mở ra không gian phát triển và cơ hội, thời cơ mới cho thị trấn khi sáp nhập 2 xã Thanh Lĩnh và Thanh Đồng. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, thách thức cũng đặt ra. Bởi vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với thị trấn sau sáp nhập là cần làm tốt công tác quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, căn cơ và có tính khả thi cao; gắn với thu hút đầu tư các dự án sản xuất, các khu đô thị; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa…
Gắn với tăng trưởng kinh tế là chăm lo phát triển văn hóa - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh; quan tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đưa thị trấn phát triển cao hơn thời gian tới.
Mai Hoa