Để chuẩn bị cho báo cáo trình Thường trực Chính phủ về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trở đi, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối Sở GD-ĐT do Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT vừa tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 2 lựa chọn để lấy ý kiến lãnh đạo Sở GD-ĐT các địa phương.

Theo đó, hình thức thi tốt nghiệp THPT theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Tại Hội nghị, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 2 lựa chọn để khảo sát ý kiến lãnh đạo các Sở GD-ĐT về phương án thi tốt nghiệp áp dụng đối với học sinh học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi. Cụ thể:

Lựa chọn 1 gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học.

Lựa chọn 2 gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn Lịch sử.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V Lômônôxốp (Hà Nội) chia sẻ, các thầy cô trong trường đã có những chia sẻ, trao đổi với học sinh đang học lớp 11 - nhóm học sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 liên quan đến 2 phương án lựa chọn Bộ GD-ĐT đã đưa ra.

Theo đó, đa số các em đều bày tỏ sự yêu thích đối với lựa chọn 2 (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là môn bắt buộc; Lịch sử và một môn học khác là môn tự chọn).

“Lịch sử rõ ràng là môn học rất quan trọng. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân thì tôi vẫn mong muốn học sinh có nhiều lựa chọn hơn, do vậy tôi cũng chọn phương án 2”, thầy Tùng nêu ý kiến.

LOU_3506-1686279803539-1693241422299.jpg
Hai lựa chọn: thi tốt nghiệp THPT 6 môn với Lịch sử là môn bắt buộc và thi 5 môn với Lịch sử là môn tự chọn được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến khảo sát (Hình minh hoạ: Quốc Việt)

Cô Khúc Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hồi (Hà Nội) thì cho biết, khi Bộ GD-ĐT đưa ra 2 lựa chọn để khảo sát ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT, trong giáo viên cũng có 2 luồng ý kiến. Tuy nhiên, số đông thầy cô thích phương án 2 hơn, tức đưa Lịch sử vào môn lựa chọn.

“Các thầy cô cho rằng vì Toán, Văn, Ngoại ngữ - 3 môn cơ bản đã là môn bắt buộc rồi, nếu Lịch sử cũng là môn bắt buộc nữa thì các học sinh theo khối Tự nhiên sẽ phải học hơi nhiều, áp lực nhiều hơn cho các em. Vì ngoài ôn thi 4 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử), các em sẽ phải ôn thi thêm 2 môn trong khối Tự nhiên của mình nữa”, cô Huệ chia sẻ.

Thầy Hoàng Văn Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Nghĩa Minh (Nam Định) lại đưa ra quan điểm cá nhân thiên về ủng hộ lựa chọn 1 (4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học). Theo thầy Hà, môn Lịch sử có vai trò rất quan trọng, nên được đưa vào môn bắt buộc để giữ gìn truyền thống dân tộc.

Việc môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể giúp học sinh chú tâm vào môn học này hơn; các nhà trường dành thời gian tổ chức ôn tập, từ đó giúp các em có thêm nền tảng kiến thức và đạt được kết quả cao hơn trong môn Lịch sử. Ngược lại nếu Lịch sử là môn tự chọn, nhiều học sinh có thể có tâm lý “không thi thì không học” và chỉ tập trung vào những môn để sau này xét tuyển đại học.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, tổ chức hôm 18.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD-ĐT sớm công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để các thầy giáo, cô giáo và học sinh có định hướng cho hoạt động dạy, học và ôn thi, tạo sự yên tâm cho phụ huynh học sinh.

Đổi mới thi theo hướng nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội nhưng phải đảm bảo chất lượng.