20220328100828db-chuyen-trach01.jpg Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ảnh: Lâm Hiển

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý,

Thưa toàn thể Hội nghị,

Căn cứ Khoản 6 Điều 1 của Luật số 65/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết số 443/NQ-UBTVQH15 ngày 30.12.2021 ban hành Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến về 4 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, diễn ra trong 2 ngày và được tổ chức theo hình thức tập trung tại Hội trường Diên Hồng kết hợp trực tuyến qua phần mềm cài đặt trên thiết bị iPad của đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã đến dự, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến hoạt động của Quốc hội nói chung và công tác lập pháp của Quốc hội nói riêng.

Thưa các vị đại biểu,

Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững, đã được đề ra từ Đại hội XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cho cả giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Tại Kỳ họp thứ Nhất vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo định hướng cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV, trong đó đặt ra yêu cầu: “Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”. Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81 triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó xác định 137 nhiệm vụ lập pháp với 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

20220328101131db-chuyen-trach06.jpg Ảnh: Hồ Long

Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội Khóa XV sắp tới có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp. Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ Hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, hội đàm, tọa đàm lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện các dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai. Tại các Phiên họp thứ Bảy, thứ Tám và thứ Chín, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho ý kiến toàn diện về các dự án Luật, nhất là đối với các vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau; chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo giải trình, tiếp thu để xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Quy trình lần này khi trình Quốc hội tại Kỳ họp để biểu quyết thông qua thì Quốc hội sẽ lấy thêm ý kiến lần nữa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và VCCI. Trước đây đã có quy trình này nhưng mới chỉ tập trung giai đoạn 1, trước khi Luật thông quathì lắng nghe thêm ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đại diện cho các tầng lớp nhân dân và ý kiến của VCCI là đại diện cho các hiệp hội, doanh nghiệp. Cách này để cho các vấn đề yêu cầu, mục tiêu, các nguyên tắc xây dựng các dự án luật được thông suốt từ khi bắt đầu trình cho đến lúc thông qua. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua nhằm bảo đảm chấtlượng cao nhất cho các dự án Luật, đồng thời có thể tiết kiệm tối đa thời gian họp chính thức của các kỳ họp Quốc hội.

Sau đây, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin gợi mở, nhấn mạnh và trao đổi một số nội dung cơ bản xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội:

Thứ nhất, về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: Nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi; bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ… đã sớm được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đề ra. Mặc dù lần này là dự án luật sửa đổi, bổ sung nhưng có đến hơn 100 điều của Luật hiện hành phải sửa đổi; đồng thời, còn điều chỉnh một số quy định tại 4 luật khác có liên quan. Việc ban hành Luật sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta.

Để bảo đảm chất lượng của dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến chú trọng vào các nội dung sau: (1) Về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; (2) Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; (3) Việc bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong Luật Sở hữu trí tuệ lần này; (4) Về nội dung cụ thể hóa các nhóm vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu đối với giống cây trồng; (5) Xử lý về kỹ thuật lập pháp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật này và các Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá…

Thứ hai, về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi): Thi đua, khen thưởng là động lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững và góp phần bảo vệ chế độ chính trị - xã hội. Công tác thi đua, khen thưởng là công cụ quản lý quan trọng, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, xây dựng con người mới; lay động mạnh mẽ đến tình cảm, trách nhiệm, ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào của cộng đồng và sức sáng tạo của tập thể, cá nhân. Việc sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng lần này nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đổi mới công tác khen thưởng bảo đảm tính chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, người dân, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, quan tâm khen thưởng cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số; tập trung giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc,…

Dự án Luật này có phạm vi điều chỉnh rất rộng, việc sửa đổi đòi hỏi phải được thực hiện một cách thận trọng, kỹ lưỡng, có tính tổng thể để bao quát hết các lĩnh vực, các đối tượng thi đua, khen thưởng. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào việc thảo luận xem các chuyên mục, các điều khoản, quy định đã bảo đảm các quan điểm, yêu cầu, mục tiêu sửa đổi đối với dự án luật này hay chưa, đồng thời tập trung vào một số nội dung cụ thể còn có ý kiến khác nhau như: (1) Về bổ sung và tiêu chuẩn xét tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang; (2) Tiêu chuẩn, thẩm quyền đề nghị và xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; (3) Về xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng và những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm nhằm bảo đảm công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào thực chất, động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa…” là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng thay mặt cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước để định hướng công tác văn hóa. Lần này chúng ta xem xét dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) nằm trong bối cảnh đó và cũng để cụ thể hóa chủ trương đó. Ngoài ra, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng đã phê chuẩn, tham gia nhiều công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và các hiệp định thương mại quốc tế của WTO, ASEAN-AFTA, CPTPP, EVFTA cùng nhiều hiệp định thương mại song phương với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Điện ảnh là một loại hình văn học nghệ thuật; công nghiệp điện ảnh là một ngành kinh tế. Luật Điện ảnh được sửa đổi toàn diện nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa và xã hội, bảo đảm tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, thực hiện hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ pháp lý quốc tế về lĩnh vực điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh với tư cách là một ngành kinh tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, nhất là tại kỳ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Phiên họp thứ Chín. Tại Hội nghị này, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tập trung vào nội dung của dự án Luật này đã quán triệt các quan điểm, nguyên tắc và yêu cầu đặt ra khi sửa đổi toàn diện luật này hay không; đồng thời, đề nghị các đại biểu Quốc hội cần tập trung nghiên cứu hiến kế, cho ý kiến vào một số vấn đề và phương án quy định cụ thể các điều, khoản chi tiết, để hạn chế tối đa tình trạng luật khung và luật ống, nhất là về các nội dung như: Thứ nhất, chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh. Thứ tự ưu tiên như thế nào, ưu tiên cái gì? Nếu chỉ đề ra khẩu hiệu về nguyên tắc chung, sau này triển khai trong thực tiễn là rất khó. Ví dụ, về chính sách của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Các nhà sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn thì cần gì nhà nước nên cần thiết hỗ trợ. Thứ hai là cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Thứ ba là, phương án thực hiện các sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước. Thứ tư là, việc phổ biến phim trên không gian mạng. Đây là đặc thù hết sức quan trọng trong việc sửa đổi luật này. Trước đây chúng ta chủ yếu đề cập phim nhựa, phim video, phim truyền hình, nhưng bây giờ, trong nền tảng kỹ thuật số, việc phát hành và phổ biến phim trên không gian mạng là rất quan trọng, chiếm tỷ lệ rất cao. Bây giờ công tác phân loại phim, tiền kiểm hay hậu kiểm, các cơ chế để đảm bảo được yêu cầu về mặt quản lý nhà nước, nhưng đồng thời cũng phải khuyến khích đổi mới sáng tạo như thế nào… Rất mong đại biểu Quốc hội tập trung cho nội dung này. Một nội dung quan trọng nữa là có hay không có quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Nếu có thì chúng ta phải thiết lập một cơ chế thế nào để chúng ta vận hành được quỹ này.

Thứ tư, về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Hiện nay, tiềm năng thị trường bảo hiểm tại Việt Nam rất lớn nhu cầu bảo hiểm ngày càng cao, trong khi đó quy mô thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên tổng GDP của cả nước còn thấp, chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm chưa ổn định, thông tin và nguồn thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm còn chưa đa dạng, đầy đủ, toàn diện dễ phát sinh các tranh chấp. Do đó, dự án Luật này đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Hai theo hướng sửa đổi toàn diện, nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hiệu quả của nền kinh tế. Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng bảo hiểm, logistic...

20220328101203db-chuyen-trach02.jpg Ảnh: Hồ Long

Đến nay dự thảo Luật cơ bản được hoàn thiện. Tuy nhiên, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung thảo luận sâu sắc làm sâu sắc hơn nữa về một số vấn đề lớn sau đây. Thứ nhất, về việc tiếp tục hoàn thiện kết cấu của dự án Luật này, về các nguyên tắc áp dụng pháp luật uật này với các luật gốc là Luật chuyên ngành khác. Thứ hai, các quy định về loại hình bảo hiểm, các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm quy định. Thứ ba, về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh, phối hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hàng hải cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan, kể cả bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm, người tham gia ký các hợp đồng bảo hiểm, người thụ hưởng các quyền lợi. Thứ tư, việc tiếp tục duy trì hay dừng hoạt động quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Thứ năm là về bảo hiểm vi mô.

Thời gian tổ chức Hội nghị lần này không dài, chỉ 2 ngày để cho ý kiến về 4 dự án Luật quan trọng. Do đó, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, then chốt, phát huy bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tâm huyết, thảo luận tranh luận, thể hiện rõ chính kiến, có phân tích sâu sắc, lập luận thuyết phục, biện chứng về các vấn đề của dự thảo Luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua tại Kỳ họp thứ Ba.

Trong quá trình thảo luận, nếu thấy cần thiết, Chủ tọa và người điều hành sẽ mời các đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Với tinh thần đó thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV theo chương trình.

___________