Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Bộ GTVT đã cho nghiên cứu xem tiêu chuẩn tốc độ một số tuyến cao tốc đã đáp ứng, phù hợp thực tế hay chưa.

Qua đó cho thấy các tuyến đường hiện quy định 80 km/h có thể nâng lên 90 km/h. Các dải tốc độ lớn hơn vẫn phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Do đó, Bộ GTVT đã điều chỉnh lại quy hoạch, tiêu chuẩn đường cao tốc và trong quý 1/2024 sẽ thay đổi tốc độ tối đa các tuyến cao tốc từ 80 lên 90 km/h.

Ngày 9/11, trao đổi với PV VietNamNet, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia rất ủng hộ phương án nâng tốc độ tối đa lên 90km/h tại một số tuyến cao tốc.

Tuy nhiên, ông Tạo lưu ý việc cần đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên đường vì thực tế có những tuyến cao tốc chỉ mới có 2 làn xe và không có dải phân cách. Ví dụ, tuyến cao tốc Hà Nội- Lào Cai đoạn từ Yên Bái- Lào Cai hiện không có dải phân cách ở giữa. Lái xe nhìn biển báo đường cao tốc có thể chạy tốc độ tối đa cho phép trong khi đường không có dải phân cách ở giữa thì nguy cơ đâm vào xe ngược chiều cao.

w-mai-son-ql45-3-1378.jpg
Cao tốc Mai Sơn- QL45 hiện đang quy định tốc tối đa 80km/h (Ảnh: Hoàng Hà)

“Đường cao tốc là đường một chiều có dải phân cách ở giữa, có lối ra vào để ô tô được chạy với tốc độ cao liên tục. Do đó, tôi cho rằng những tuyến được nâng tốc lên 90km/h trước hết phải đúng tiêu chuẩn là đường cao tốc - có dải phân cách ở giữa, không có giao cắt đồng mức, có hướng chỉ dẫn ra vào ở những vị trí quy định… ”, ông Tạo nói.

Trao đổi thêm về vấn đề này, đại diện Bộ GTVT cho biết, theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc của Việt Nam TCVN 5729:2012 quy định đường cao tốc của nước ta được chia thành 4 cấp với tốc độ để tính toán thiết kế từ cao nhất đến thấp nhất, lần lượt là 120 Km/giờ, 100 Km/giờ, 80 Km/giờ và thấp nhất là 60 Km/giờ.

Do khó khăn trong cân đối vốn đầu tư nên 9/11 dự án cao tốc được đầu tư phân kỳ, giai đoạn trước mắt được khai thác vận tốc 80km/h.

Trong quá trình đưa các Dự án thành phần đường cao tốc vào khai thác, Bộ GTVT đã nhận diện được vấn đề về tốc độ khai thác. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu và ban hành Tiêu chuẩn cơ sở TCCS42:2022/TCĐBVN “Đường ô tô cao tốc – Thiết kế và tổ chức giao thông giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng”. Trong đó, cho phép các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư được khai thác đến tốc độ 90km/h.

Những tuyến cao tốc nào sẽ nâng tốc độ lên 90km?

Liên quan đến nội dung này, Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết thêm, đơn vị này trước đó đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về nghiên cứu, đánh giá tổng quan về khả năng nâng tốc độ khai thác (tốc độ tối đa cho phép) đối với đường cao tốc phân kỳ đầu tư 4 làn xe với bề rộng 3,5m từ 80km/h hiện nay lên 90km/h.

Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, có nhiều cơ sở để nâng cao tốc độ lên 90 km/h bởi theo hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế có hai loại tốc độ là tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác.

Tốc độ thiết kế trong các tiêu chuẩn của Việt Nam và các nước trên thế giới đều dùng để tính toán các tiêu chuẩn kỹ thuật hình học giới hạn chủ yếu của đường trong trường hợp khó khăn về địa hình.

Tốc độ này khác với tốc độ lưu hành cho phép. Tốc độ lưu hành cho phép, phụ thuộc tình trạng thực tế của đường, chức năng của tuyến đường, địa hình, tình trạng kỹ thuật của đường và khí hậu, thời tiết, điều kiện giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác.

"Thông thường, tốc độ tối đa cho phép lớn hơn hoặc bằng tốc độ thiết kế đã lựa chọn. Các cơ quan quản lý tuyến đường căn cứ vào điều kiện thực tế để xem xét, đánh giá và quy định cho phù hợp, đảm bảo điều kiện ATGT cho phương tiện trong quá trình khai thác", Cục Đường cao tốc Việt Nam lý giải.

Do vậy, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề xuất: Đối với các tuyến cao đầu tư xây dựng phân kỳ 4 làn xe hạn chế - đã đưa vào khai thác như Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, đủ điều kiện nâng tốc lên 90 km/h đối với một số loại phương tiện như xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt).

Đối với các tuyến cao tốc Bắc - Nam đầu tư xây dựng phân kỳ 4 làn xe hạn chế, đưa vào khai thác trong năm 2023 và các năm tiếp theo như Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Cục kiến nghị xem xét nâng tốc độ tối đa cho phép tại các tuyến lên 90 km/h đối với một số loại phương tiện.