Chiều 6/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV tổ chức phiên thảo luận tổ về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì thảo luận tại Tổ đại biểu Nghệ An. Tham dự có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một Ban của HĐND tỉnh, sở, ngành liên quan.
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ tại Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc gồm 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.014 km, đã đưa vào khai thác 1.163 km, đang đầu tư 916 km.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 - 6 làn xe, các đoạn cửa ngõ đô thị quy mô 8 - 10 làn xe. Đến nay đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.
Để sớm hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tạo động lực, sức lan tỏa nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ kiến nghị Quốc hội: Quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với địa điểm từ Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công.
Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An Nguyễn Đức An đề xuất một số nội dung về dự án cao tốc. Ảnh: Thành Duy
Giải phóng mặt bằng tất cả các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, các dự án thành phần trên đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy mô 4 làn xe như quy hoạch đã được phê duyệt. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng tỷ đồng. Tiến độ thực hiện: chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Thảo luận về nội dung này, từ thực tiễn triển khai cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An, mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, đại diện các sở, ngành và UBND tỉnh Nghệ An dự họp đã đề xuất một số nội dung như: cho chỉ định thầu đơn vị tư vấn, xây dựng các khu tái định cư để rút ngắn thời gian thủ tục; cho chỉ định thầu xây lắp, tuy nhiên nên giảm 5% theo dự toán. Các ý kiến cũng đề cập nhiều đến các giải pháp nhằm tháo gỡ cho công tác cấp mỏ vật liệu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thành Duy
Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đề nghị nên cân nhắc thi công đồng bộ 6 làn xe theo thiết kế, không nên thi công trước 4 làn xe nhằm đảm bảo tính đồng bộ, giảm chi phí.
Đặc biệt, liên quan đến việc khảo sát, cấp phép mỏ đất phục vụ thi công, qua thực tế nhiều tỉnh đang vướng mắc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đề xuất nên cho phép chủ đầu tư quản lý các biện pháp khai thác để giảm giá thành thi công và thống nhất được trong quản lý giá vì không phải đấu thầu và mua lại vật liệu mỏ qua trung gian.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có đất rừng cũng là yếu tố kéo dài thời gian cấp phép mỏ vật liệu, do đó đồng chí Lê Hồng Vinh đề xuất đối với những nơi quy hoạch công trình, dự án trọng điểm không phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mà chỉ nên thống kê diện tích, tọa độ để xác định địa điểm này sau này không cần phải chuyển đổi.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thành Duy
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, để triển khai tốt giai đoạn 2 cao tốc Bắc – Nam phía Đông cần phải rút kinh nghiệm việc thực hiện ở giai đoạn 1, để dự phòng các vấn đề liên quan nhằm hạn chế các bất cập nảy sinh.
Cũng tại cuộc họp, thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, đại biểu Quốc hội Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình với các cơ chế, chính sách về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý,chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Đại biểu Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thành Duy
Kết luận phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá, qua các ý kiến cho thấy cơ bản thống nhất Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên liên quan đến cơ chế để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các chương trình trọng điểm quốc gia trong gói phục hồi phát triển kinh tế nói chung, trong đó có liên quan đến dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, việc chỉ định thầu xây lắp nên kèm theo yêu cầu tiết kiệm khoảng 5% dự toán giá trị gói thầu để đẩy nhanh công tác đấu thầu và có thể lựa chọn được các nhà thầu tốt, nhất là các nhà thầu mạnh.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An kết luận phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thành Duy
Cùng với đó, việc quản lý mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án cũng nên giao cho chủ đầu tư và đưa vào dự toán công trình để giảm các khâu trung gian, phát huy hiệu quả cao hơn; đồng thời đề xuất cho phép cơ chế đặc thù là không qua quy trình cấp phép. Cùng với đó, để đẩy nhanh tiến độ, đề xuất Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng liên quan đến cấp mỏ.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng nêu ý kiến đề nghị phân cấp chủ đầu tư cho tất cả các tỉnh, thành có hướng tuyến đi qua để đảm bảo thống nhất, đồng bộ; thay vì chỉ phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND cấp tỉnh của một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn.
Cũng tại phiên thảo luận, Tổ đại biểu Đoàn Nghệ An đồng tình nội dung dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Thành Duy