Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, cùng đại diện các ban của HĐND tỉnh, các tổ chức, đoàn thể. Về phía thành phố Vinh có đại diện các phòng, ban liên quan của UBND thành phố.

Trước khi bước vào cuộc làm việc với UBND thành phố Vinh, đoàn giám sát đã tiến hành kiểm tra tại 2 địa điểm hiện vẫn đang nằm trong danh sách địa điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố, đó là bãi rác Đông Vinh và Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.

bna-bai-rac-dong-vinh-hien-van-con-khoang-84000-tan-rac-chua-duoc-xu-ly-het-anh-tien-dong-2706.jpg

Bãi rác Đông Vinh hiện vẫn còn khoảng 84.000 tấn rác chưa được xử lý hết. Ảnh: Tiến Đông

Tại bãi rác Đông Vinh, đây nguyên là bãi rác tự phát được hình thành từ những năm 1970, là nơi đổ rác thải của thành phố Vinh, đến cuối năm 2011 thì dừng tiếp nhận rác. Song song với việc đổ rác thải ở bãi rác Đông Vinh, UBND tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho Dự án Nhà máy xử lý rác thải Seraphin, với mục tiêu xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày và rác thải đã chôn lấp tại bãi rác Đông Vinh. Tuy nhiên, dự án này chỉ hoạt động một thời gian, đến năm 2014 thì dừng hoạt động. Đến nay, còn tồn đọng lượng rác khoảng 84.000 tấn.

bna-doan-giam-sat-kiem-tra-tai-bai-rac-dong-vinh-9585.jpg

Đoàn giám sát kiểm tra tại bãi rác Đông Vinh. Ảnh: Tiến Đông

Sau khi bãi rác Đông Vinh dừng hoạt động, UBND thành phố Vinh cũng đã thực hiện dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại bãi rác Đông Vinh. Khối lượng rác thải đã vận chuyển ra Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên khoảng 100.000 tấn. Tuy nhiên, khi lập dự án, một phần rác thải của bãi rác Đông Vinh (vị trí sát với Nhà máy xử lý rác thải Seraphin), lại không được đưa vào dự án nên dẫn đến việc tồn đọng, ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để.

Hiện tại, UBND TP.Vinh cũng đã lập dự án để vận chuyển số rác còn tồn đọng này ra khỏi thành phố với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng.

bna-tram-xu-ly-nuoc-thai-tai-benh-vien-ung-buou-nghe-an-tap-trung-xu-ly-nuoc-thai-cho-3-co-so-anh-tien-dong-7819.jpg

Hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tập trung xử lý nước thải cho 3 cơ sở. Ảnh: Tiến Đông

Tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, hiện tại cơ sở này đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải với công suất 400m3/ngày đêm và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2019. Đây là điểm xử lý chung cho cả 3 bệnh viện (Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình và Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh). Tuy nhiên, quá trình hoạt động thường xuyên gặp sự cố, chất lượng nước thải sau khi xử lý không ổn định, thường xuyên vượt quy chuẩn cho phép. Chủ đầu tư là Sở Y tế Nghệ An đã liên tục chỉ đạo các bên liên quan sớm có giải pháp khắc phục triệt để, tuy nhiên, đến nay việc khắc phục, xử lý vẫn chưa xong. Bệnh viện vẫn nằm trong danh sách các đơn vị gây ô nhiễm môi trường.

bna-doan-giam-sat-kiem-tra-diem-xu-ly-nuoc-thai-tai-benh-vien-ung-buou-nghe-an-anh-tien-dong-3477.jpg

Đoàn giám sát kiểm tra điểm xử lý nước thải tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Ảnh: Tiến Đông

Bên cạnh đó, tại cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An ở xã Nghi Liên hiện nay hệ thống xử lý nước thải cũng đã hoàn tất quá trình xây dựng và đã đi vào vận hành thử nghiệm. Kết quả quan trắc chất lượng nước thải sau khi xử lý cho kết quả tốt, đáp ứng các quy chuẩn hiện hành.

Tuy nhiên, do tiến độ đầu tư theo Hợp đồng thi công xây dựng công trình vẫn chưa đến giai đoạn hoàn tất nghiệm thu nên Bệnh viện vẫn chưa đủ điều kiện để được cấp Giấy phép môi trường, đồng nghĩa với việc cơ sở 2 vẫn chưa được cấp phép hoạt động, và chưa thể ký được Hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm. Trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của nhân dân là vô cùng bức thiết.

bna-nuoc-thai-tai-tram-xu-ly-nuoc-thai-benh-vien-ung-buou-nghe-an-den-nay-van-chua-dat-chuan-anh-tien-dong-724.jpg

Nước thải tại hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đến nay vẫn chưa đạt chuẩn. Ảnh: Tiến Đông.

Làm việc với UBND TP.Vinh, đoàn giám sát cũng đã nắm các thông tin liên quan đến việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn. Theo thống kê, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 300 tấn/ngày đêm. Toàn bộ chất thải được thu gom, vận chuyển và xử lý theo hình thức chôn lấp tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Ngoài ra, còn phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường khoảng 10 tấn/ngày đêm; khoảng 5 tấn chất thải nguy hại, chủ yếu là bùn thải, dầu mỡ thải, chất thải y tế nguy hại.

bna-doan-giam-sat-lam-viec-voi-ubnd-tpvinh-anh-tien-dong-456.jpg

Đoàn giám sát làm việc với UBND TP.Vinh. Ảnh: Tiến Đông

Về nguồn nước mặt, thành phố có 2 con sông là sông Vinh và sông Rào Đừng, là nơi tiếp nhận lượng lớn nước mặt và nước thải của thành phố và các khu vực lân cận đổ vào qua hàng loạt các công trình tiêu nước. Tuy nhiên, số liệu quan trắc môi trường năm 2022 cho thấy, chất lượng nước sông Rào Đừng, và sông Vinh nguồn nước đã có dấu hiệu ô nhiễm.

Chưa kể, hiện nay thành phố có 6 hồ điều hòa nằm trong chương trình quan trắc môi trường nước mặt của UBND tỉnh với tần số quan trắc 6 lần/năm. Thế nhưng, do các nguồn nước thải, chất thải từ các khu dân cư hầu hết chảy về 6 hồ điều hòa này, nên những năm gần đây các hồ điều hòa đang bị ô nhiễm. Kết quả quan trắc năm 2022 cho thấy: Thông số NH4+ vẫn ở mức cao (Hồ Công viên Trung tâm, hồ Bảy Mẫu), ô nhiễm E.coli tại các điểm quan trắc hồ Vinh Tân và hồ Goong đã vượt quy chuẩn cho phép.

bna-dong-chi-nguyen-sy-dieu-pho-chu-tich-ubnd-tpvinh-tra-loi-mot-so-van-de-ma-doan-giam-sat-neu-ra-6758.jpg

Đồng chí Nguyễn Sỹ Diệu - Phó Chủ tịch UBND TP.Vinh trả lời một số vấn đề mà đoàn giám sát nêu ra. Ảnh: Tiến Đông

Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố cũng đáng quan tâm. Nguyên nhân được xác định là do hoạt động của các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp và các cụm công nghiệp nhỏ nằm rải rác trong khu dân cư. Ngoài ra, còn có khí thải phát sinh từ các phương tiện giao thông.

Tại buổi làm việc, đoàn giám sát cũng đề nghị UBND thành phố Vinh làm rõ một số vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường để bổ sung vào báo cáo. Nhất là tình trạng nước thải sinh hoạt chảy tràn vào kênh Bắc dẫn đến gây ô nhiễm môi trường. Thành phố cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong thi công, thiết kế hệ thống thu gom nước thải tại kênh Bắc, tránh để xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian tới.

e6d15532f5102f4e7601-6153.jpg Thời gian gần đây kênh Bắc đã bị ô nhiễm nặng nề. Ảnh tư liệu: Nhật Lân

Ngoài ra, thành phố cũng cần tăng cường giám sát việc xử lý ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất đã từng bị xử phạt. Cần có giải pháp lâu dài cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải rắn. Bởi hiện nay, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên dù chỉ được phép tiếp nhận rác của thành phố Vinh, TX.Cửa Lò, thị trấn Diễn Châu và huyện Nghi Lộc, thế nhưng, trên thực tế rác thải từ nhiều địa phương đều được đưa về tập kết tại đây, điều này dẫn đến nguy cơ đến năm 2030 khu xử lý rác này sẽ bị quá tải...

Trả lời một số ý kiến góp ý của đoàn giám sát, ông Nguyễn Sỹ Diệu - Phó Chủ tịch UBND TP.Vinh cho rằng: Nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường của thành phố là quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế và sự gia tăng nhanh dân số... tạo áp lực về lượng chất thải rắn, nước thải. Mặt khác, hệ thống thu gom nước trên toàn địa bàn thành phố là hệ thống chung, chưa tách biệt giữa nước mưa và nước thải, vì vậy, còn có tình trạng nước thải chảy ra các hồ điều hòa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân cư xung quanh.

bna-bna-dong-chi-nguyen-nam-dinh-pho-chu-tich-thuong-truc-hdnd-tinh-truong-doan-giam-sat-lam-viec-voi-ubnd-tpvinh-anh-tien-dong-4959.jpg

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Giám sát làm việc với UBND TP.Vinh. Ảnh: Tiến Đông

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm, nhất là ở các hồ điều hòa, kênh Bắc, hào Thành cổ. Huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu...

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Giám sát đề nghị UBND thành phố Vinh cần nâng cao công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho nhân dân. Bám sát quy hoạch thành phố để xây dựng các cơ sở hạ tầng xử lý môi trường. Tập trung xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường...

Đồng chí Nguyễn Nam Đình cũng cho biết, sau cuộc làm việc, đoàn giám sát sẽ có cuộc làm việc với các sở, ngành liên quan trước khi làm việc với UBND tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện báo cáo để trình HĐND tỉnh cho ý kiến trước khi ban hành Nghị quyết tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.

Tiến Đông