Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định 22/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh, thời gian qua UBND thành phố Vinh vừa tập trung phòng chống dịch Covid-19, vừa nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định. Đến nay, thành phố đã thực hiện 6/12 chính sách, cụ thể: Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (2.243 người, với số tiền: 7.148.605.000đ); Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc (1.303 người, với số tiền: 1.989.000.000đ); Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế (2.686 F1 với số tiền 2.316.520.000đ); Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh (542 hộ kinh doanh với số tiền 1.626.000.000đ); Chính sách hỗ trợ lao động tự do (20.818 người lao động với số tiền là 31.227.000.000đ); Chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất ( 9 DN được giải ngân với số tiền 2.183.000.000đ).
Quá trình triển khai thực hiện đã và đang bộc lộ một số khó khăn, bất cập như: Đối với hộ kinh doanh, quy định các đối tượng được hỗ trợ phải có trong danh bạ của cơ quan thuế và có đăng ký kinh doanh; tuy nhiên, rất nhiều hộ kinh doanh có trong danh bạ của cơ quan thuế, đã thực hiện nộp thuế nhiều năm nhưng Giấy đăng ký kinh doanh đã hết thời hạn hoặc chưa kịp thời thay đổi địa điểm kinh doanh; người đại diện Hộ kinh doanh và người đứng tên mã số thuế không giống nhau (trường hợp vợ chồng, mẹ con…); Nghị quyết số 126 ngày 08/10/2021 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68 ngày 01/7/2021 của Chính phủ có mở rộng thêm đối tượng “những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh”. Tuy nhiên, UBND tỉnh Nghệ An hiện chưa có quy định về mức thu nhập thấp này và chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 126 của Chính phủ, Quyết định số 33/2021 của Thủ tướng Chính phủ, nên việc giải thích, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp, việc tiếp nhận hồ sơ còn lúng túng. Bộ phận người lao động tự do bị mất việc làm, không thuộc đối tượng hỗ trợ theo Quyết định 22/2021 của UBND tỉnh nên nhiều người dân thắc mắc, kiến nghị. Theo quy định, thời gian thẩm định hồ sơ của các đối tượng khá ngắn, trong khi số lượng đối tượng lớn nên khối lượng công việc duyệt, thẩm định hồ sơ nhiều lúc quá tải.
Đại diện các phường, xã cho rằng một số quy định nhất là quy định tại Quyết định 22/2021 của UBND tỉnh chưa phù hợp với thực tế và chưa bao phủ hết các đối tượng, dẫn đến mất công bằng trong việc hưởng chính sách. Bà Trần Thị Cẩm Tú – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh đề nghị tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể, sớm trả lời những băn khoăn, vướng mắc của người dân, kịp thời điều chỉnh những bất cập để tránh phát sinh đơn thư, khiếu nại và đảm bảo chính sách hỗ trợ bao phủ, hỗ trợ được hết các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị thành phố rà soát lại các quy định, các đối tượng; đồng thời, thường xuyên phản ánh những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở trong quá trình thực hiện đến UBND tỉnh, HĐND tỉnh và các cơ quan chuyên môn để kịp thời có giải pháp tháo gỡ. Ban VH-XH sẽ tiếp tục giám sát vấn đề này để việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đến đầy đủ, kịp thời với người dân và DN bị ảnh hưởng do dịch Covid - 19.
Nguyễn Thị Vân
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh