Trước hết, những vấn đề người dân, doanh nghiệp bức xúc, quan tâm và những vấn đề nóng bỏng của đất nước thuộc phạm vi 4 nhóm vấn đề chất vấn đã được các đại biểu Quốc hội phản ánh trọn vẹn trong các câu hỏi.
Đó là giá cả các loại vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh khiến nông dân rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí thua lỗ trong khi đầu ra bấp bênh, trồi sụt; giấc mơ đưa ngành nông nghiệp lên một tầm cao mới - làm sao để thành hiện thực... Giá xăng dầu tăng phi mã gây khó khăn cho cả nền kinh tế - cách nào bình ổn; thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp quản lý sao cho vừa phát triển lành mạnh vừa ngăn chặn rủi ro; cổ phần hóa vì sao ách tắc… Hạn mức (room) tín dụng duy trì có hợp lý không; điều hành tín dụng thế nào để ngăn lạm phát, tránh bong bóng bất động sản mà vẫn không làm tắc dòng tiền đến với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, những người thực sự có nhu cầu mua nhà ở… Tiến độ các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia làm sao bảo đảm tiến độ, chất lượng; thu phí không dừng bao giờ hoàn tất; các dự án BOT giao thông vì sao ngày càng “mất hút”…
Nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách và với tâm thế “được chất vấn” chứ không phải “bị chất vấn”, các bộ trưởng và trưởng ngành - dù lần đầu đăng đàn hay có nhiều kinh nghiệm - đều trả lời thẳng thắn, rõ ràng kể cả với những câu hỏi “xoáy”, khó, phức tạp. Giải pháp đề ra không phải lúc nào cũng trọn vẹn và còn gây tranh luận, song điều quan trọng là các bộ trưởng, trưởng ngành đã nhận rõ trách nhiệm của mình và thể hiện quyết tâm tạo chuyển biến sau phiên chất vấn.
Đặc biệt, đóng góp vào thành công của phiên chất vấn là sự điều hành khoa học, mạch lạc, rất quyết liệt nhưng cũng vô cùng tâm lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Khi câu trả lời chưa rõ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu bộ trưởng “nói thêm cho tường minh”. Và với kinh nghiệm thực tế của mình, Chủ tịch Quốc hội đã giải thích rất rõ nhiều vấn đề để người dân hiểu rõ hơn. Ví dụ, hợp đồng xây lắp của các dự án, công trình trọng điểm quốc gia đều có cơ chế điều chỉnh giá, không có chuyện nhà thầu thiệt thòi khi nhận làm công trình của Nhà nước. Hoặc thuế, phí xăng dầu - cái nào thuộc trách nhiệm của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ.
Khi bộ trưởng để sót câu chất vấn của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội đều nhắc lại đầy đủ, ngắn gọn. Khi thời gian không còn nhiều mà danh sách đại biểu muốn chất vấn còn rất dài, Chủ tịch Quốc hội “mách” đại biểu chọn vấn đề tâm đắc nhất. Chủ tịch Quốc hội rất tâm lý khi mời Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu để Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải “có thời gian nghỉ ngơi một chút”. Nhưng đồng thời, người đứng đầu Quốc hội cũng rất quyết liệt, như lúc ông đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính phải chỉ đạo rà soát những nội dung, nhiệm vụ chưa hoàn thành, chưa thực hiện dù ở thời kỳ nào đi chăng nữa, bởi vì “Bộ trưởng có nhiệm kỳ nhưng quản lý nhà nước là liên tục”.
Phiên chất vấn thành công nhưng cũng ở bước đầu. Quan trọng là sau đây, các bộ trưởng và trưởng ngành giải quyết các vấn đề đại biểu đặt ra như thế nào, thực thi cam kết và giải pháp của mình ra sao. Điều này phụ thuộc rất lớn vào sự giám sát của Quốc hội, các đại biểu cũng như các cơ quan của Quốc hội.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình cũng sẽ tổ chức giám sát, tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề bức xúc nổi lên. Vì thế, cử tri và người dân cả nước có cơ sở để kỳ vọng vào sự chuyển biến thực chất và đột phá trong thời gian tới và phiên chất vấn sẽ thành công trọn vẹn.