Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên TRẦN THỊ TUYẾT HƯƠNG:
Nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức
Phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước hôm qua đã diễn ra sôi nổi, trách nhiệm. Dưới sự điều hành linh hoạt, khoa học của Chủ tọa, các ĐBQH đóng góp nhiều giải pháp căn cơ để đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, vững vàng duy trì đà phục hồi và phát triển bền vững. Qua các báo cáo và ý kiến của các ĐBQH có thể khẳng định: Dù có nhiều mất mát, tổn thất nhưng giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 của đất nước đã ở lại phía sau. Kết quả trên đến từ nỗ lực và quyết tâm rất cao từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho đến các địa phương và sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, không thể không kể đến các chính sách được ban hành kịp thời, chưa từng có tiền lệ như: Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; hay mới đây là Nghị định 34/2022/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022…
Tôi đồng tình với ý kiến của nhiều ĐBQH khi thẳng thắn nhận diện: Đất nước còn đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Nhất là những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới; tình hình lạm phát, giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã và đang tác động không nhỏ đến tình hình trong nước. Nhiệm vụ của chúng ta hết sức nặng nề khi vừa phải tập trung xử lý hàng loạt vấn đề tồn đọng, vừa triển khai một khối lượng đồ sộ các nhiệm vụ mới. Bối cảnh này đặt ra những yêu cầu hết sức cấp bách và khẩn trương trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Theo tôi, ưu tiên quan trọng nhất hiện nay là đẩy nhanh tốc độ để tăng tính kịp thời trong triển khai các biện pháp, hỗ trợ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm và năng lực của bộ máy quản lý thực chất, nhất là người đứng đầu; điều chỉnh bổ sung chính sách hợp lý, khuyến khích đổi mới kỹ thuật công nghệ, phát triển doanh nghiệp; có giải pháp thích hợp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn quốc tế và trong nước; tiếp tục có quy định pháp luật, biện pháp tổ chức, hành chính, kinh tế đủ mạnh nhằm ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh hóa bộ máy quản lý nhà nước…
Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An LÔ THỊ KIM NGÂN:
Cần giải pháp giúp người dân tiếp cận thuận lợi các nguồn hỗ trợ
Có thể khẳng định, nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, những quyết sách linh hoạt, kịp thời của Quốc hội, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nước ta đã vượt khó khăn, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Nền kinh tế đang phục hồi và phát triển tích cực. Một trong những thành tích nổi bật của năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 là thu ngân sách nhà nước tăng cao. Cùng với đó, thành công Sea Games 31 vừa qua cũng là minh chứng về một Việt Nam trong trạng thái bình thường mới, tự tin mở cửa với khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn hiện nay, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về tình hình trong nước và thế giới để đưa ra các giải pháp sát tình hình. Nhất là các chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu; bình ổn giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào; kiểm soát hiệu quả lạm phát... Đồng thời, tiếp tục quan tâm phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, không được chủ quan với những biến chủng mới có thể xuất hiện. Đối với tình trạng người lao động thiếu và mất việc làm đang gia tăng sau đại dịch Covid-19, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn, Chính phủ cần có nhiều giải pháp giúp người dân trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ; có những gói hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề…
Bên cạnh đó, Chính phủ, Trung ương cần nghiên cứu thay đổi tiêu chí hỗ trợ giảm nghèo cho phù hợp với thực tiễn của từng địa phương; giải quyết vấn đề giao đất gắn với giao rừng, tạo tư liệu cho người dân; có chương trình đào tạo nghề riêng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi phù hợp với trình độ, khả năng, nhận thức của đồng bào. Thời gian qua, những kết quả trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực, vì vậy, Chính phủ cần quan tâm có những giải pháp tổng thể, đồng bộ hơn nữa để thực hiện tốt công tác này. Trong đó, cần sớm phê chuẩn hệ thống vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức để qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương.
Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Lai Châu NGUYỄN XUÂN THỨC:
Quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành
Qua theo dõi phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của Quốc hội, tôi đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, năng động, sáng tạo của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong năm vừa qua. Nhờ vậy, dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước ghi nhận rất nhiều gam màu sáng với 7/12 chỉ tiêu chính về phát triển kinh tế đạt, trong đó có một số chỉ tiêu đạt cao. Bên cạnh đó, các quyết sách đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã giúp đất nước sớm chuyển sang trạng thái bình thường mới, tạo nền tảng tốt để phục hồi nền kinh tế và sớm ổn định đời sống Nhân dân.
Tuy nhiên, trong phiên thảo luận hôm qua, các ĐBQH cũng đã chỉ rõ nhiều bất cập, hạn chế cùng với những khó khăn, thách thức đất nước đang phải đối mặt trong quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế. Một trong những bất cập được nhiều ĐBQH nêu và đông đảo cử tri quan tâm là tình trạng thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản làm xáo trộn trật tự xã hội, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và nền tài chính quốc gia. Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của các đại biểu là Chính phủ đã quyết liệt thì cần quyết liệt hơn nữa để sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, thuế; nghiên cứu sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp… nhằm sớm làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, bất động sản.
Bên cạnh đó, tiến độ chậm chạp trong triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng là vấn đề cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân đang rất quan tâm. Thực tế cho thấy, quá trình thực thi một số chương trình, cấu phần hỗ trợ tại địa phương đang gặp không ít khó khăn. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp điều hành linh hoạt, quyết liệt và có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để quyết sách sớm đi vào cuộc sống.
BÁCH HỢP - DIỆP ANH - ĐÀO CẢNH ghi