Giảm hình phạt tù, mở rộng hình thức phạt tiền và chuyển hướng xử lý sớm

Tại Tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Nghệ An), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là dự án luật khó, rất nhiều chuyên gia, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đặt vấn đề tư pháp người chưa thành niên là gì, cho nên cần xác định phạm vi cho đúng, trúng, để từ đó quy định các nội dung trong dự thảo Luật cho phù hợp.

to-3-1717831394983.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Tổ 3

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị đánh giá tác động kỹ hơn các chính sách mới như: kinh phí thực hiện giám sát điện tử, xây dựng trại giam riêng. "Cả nước xây dựng 3 trại giam riêng cho người chưa thành niên tại 3 vùng thì chi phí tuân thủ, chi phí tác động với ngân sách như thế nào? Đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động với các chính sách mới. Tiếp tục rà soát các bộ luật có liên quan như Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Một số nội dung cụ thể như hình phạt, thủ tục hình sự, đặc biệt là xử lý chuyển hướng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến thống nhất với cơ quan soạn thảo đề nghị xử lý chuyển hướng sớm và ưu tiên xử lý chuyển hướng phải thân thiện, nhân văn, nhưng cũng phải bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Liên quan đến biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng cần có lập luận chặt chẽ hơn.

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp với người chưa thành niên, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ý tưởng rất hay, nhưng có đòi hỏi bảo đảm nguồn lực, kinh phí cho đối tượng này hay không? Cần đánh giá kỹ, tính toán tác động của quy định này.

Về mở rộng hình phạt cảnh cáo và phạt tiền, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, người lớn được nhận nguồn hỗ trợ, nhưng trẻ em lại không có? Không chỉ có cha mẹ, người giám hộ, mà còn bạn bè của cha mẹ mong muốn hỗ trợ các em trong hình thức phạt tiền để các em sớm được hòa nhập cộng đồng. Quy định này cũng cần nghiên cứu, xem xét, với tinh thần giảm hình phạt tù, mở rộng hình thức phạt tiền và chuyển hướng xử lý sớm.

Xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên – quy định tiến bộ và nhân văn

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu rõ, trước khi tiến hành thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành khảo sát ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là khảo sát ở 3/3 trường giáo dưỡng của cả nước.

thi-thuy-1717831394874.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu

Tại trường giáo dưỡng, khi được yêu cầu cung cấp vấn đề nhân thân của người chưa thành niên, có thể thấy, tỷ lệ các các em mồ côi cha mẹ, bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ phạm tội, cờ bạc rất cao. Riêng trường giáo dưỡng ở Đồng Nai, có 64% các em rơi vào hoàn cảnh gia đình đặc biệt.

"Nếu như các em không ở hoàn cảnh này, thì các em sẽ không vi phạm pháp luật. Hoàn cảnh gia đình là nguyên nhân xã hội trực tiếp dẫn đến hành vi lầm lỡ của các em. Nếu chúng ta có sự thông cảm, chia sẻ thì chúng ta sẽ có hướng đi, hay trong dự án Luật gọi là biện pháp xử lý chuyển hướng để các em có điều kiện nhận ra sai lầm và phục hồi”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Bày tỏ sự đồng thuận với phạm vi điều chỉnh bao gồm cả hình phạt và tố tụng hình sự, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu rõ, đã nói đến tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên thì hai vấn đề quan trọng nhất là hình phạt và tố tụng hình sự. Nếu không quy định hình phạt và tố tụng hình sự trong dự thảo Luật thì chúng ta sẽ dành chính sách nhân văn gì về hình phạt và tố tụng hình sự cho các em?

to-3-a3-1717831395062.jpg
Quang cảnh thảo luận Tổ 3

Trong khi đó, Chỉ thị 28 -CT/TW của Bộ Chính trị về phát triển hệ thống tư pháp thân thiện đối với người chưa thành niên đã yêu cầu: phát triển hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên. UNICEF cũng thống kê, Luật Tư pháp người chưa thành niên của hầu hết các nước trên thế giới đều có hình phạt và tố tụng hình sự. "Có như vậy, mới làm được chính sách nhân văn cho các em", đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Về việc mở rộng người chưa thành niên được áp dụng biện pháp chuyển hướng, đại biểu cho biết, Bộ luật Hình sự hiện hành có 3 biện pháp xử lý chuyển hướng là: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, trong quá trình tổng kết thi hành 3 biện pháp xử lý chuyển hướng này, trong 6 năm thi hành chỉ có 35 em vị thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Tức là, mỗi năm chưa đến 6 trường hợp được áp dụng biện pháp chuyển hướng dù rằng, đối với người chưa thành niên, chúng ta luôn mong muốn áp dụng biện pháp nhân văn hơn, thân thiện hơn để có tính hướng thiện giúp các cháu sửa chữa sai lầm và có biện pháp phục hồi.

"Do vậy, lần này, dự thảo Luật tập trung vào các biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên. Cụ thể, quy định 11 biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng để giám sát tại cộng đồng và 1 biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Quy định này rất tiến bộ và nhân văn với các em", đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Với những trường hợp các em có thể phục hồi được thì thực hiện giám sát ngoài cộng đồng, những em có mức độ, hành vi phạm tội hơn, nghiêm trọng hơn và gây nguy hiểm cho xã hội thì áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, do Bộ Công an trực tiếp quản lý. Biện pháp này đáp ứng các mục tiêu: tính nhân văn, bảo đảm tính nghiêm khắc, an toàn cho cộng đồng, an toàn cho nạn nhân.

Dự thảo luật quy định chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ biện pháp tư pháp thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, nếu giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp tư pháp thì phải hết giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử mới xem xét có áp dụng hình phạt tù với các em hay cho các em áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Như vậy, quy trình tố tụng rất dài.

Trong trường hợp chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng, thì ngay trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra thấy rằng, các em có thể chuyển hướng bằng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng của Bộ Công an, thì sẽ lập hồ sơ gửi sang Thẩm phán và Thẩm phán mở phiên họp để xem xét quyết định.

"Thời gian sẽ rút ngắn hơn và tránh ảnh hưởng đến quyền học tập, được giáo dục của các cháu. Đồng thời, quy định này cũng đáp ứng Điều 40 của Công ước quốc tế Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em: Bất kể khi nào thấy có thể được và thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng chấm dứt thời hạn tố tụng, để chuyển các em áp dụng thủ tục không phải là tố tụng", đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Tin và ảnh: Hoàng Ngọc