viet-lao-anh-tieu-de.jpg

Sau bao nhiêu năm trường kỳ gian khổ, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Mặt trận Lào Itxala, ngày 02/12/2975, nhân dân các bộ tộc Lào đã vùng lên lật đổ chế độ quân chủ, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử hiện đại của nước Lào, trở thành ngày hội non sông, ngày Quốc khánh của nhân dân Lào anh em.

chu-tich-ho-chi-minh-tiep-hoang-than-xuphanuvong-tai-viet-bac-nam-1948-anh-trai-va-trao-doi-voi-dong-chi-cayxon-phomvihan-tai-ha-noi-nam-1966.png
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Hoàng thân Xuphanuvông tại Việt Bắc năm 1948 (ảnh trái) và trao đổi với đồng chí Cayxỏn Phômvihản tại Hà Nội năm 1966. Ảnh: Tư liệu

viet-lao-box1.png

Đặc biệt trong nhiều thập kỷ qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản (Kaysone Phomvihane) và Chủ tịch Xuphanuvông đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện qua nhiều thử thách và hun đúc bằng công sức, xương máu của bao thế hệ các anh hùng liệt sĩ, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.

lien-quan-viet-lao.png
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ ba từ trái sang), Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (thứ tư từ trái sang) cùng các cán bộ Quân đội Việt - Lào bàn kế hoạch mở Chiến dịch Thượng Lào, năm 1953; Quân tình nguyện Việt Nam và quân giải phóng nhân dân Lào; Quân tình nguyện Việt Nam giúp nông dân Lào gặt lúa tại Khu II, Thượng Lào, năm 1949; Quân giải phóng nhân dân Lào tiến vào Viêng Chăn năm 1975. Ảnh: Tư liệu

Cách nay 59 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam và Lào bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt. Nhưng với những thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao của cách mạng Lào, Hiệp định Giơ-ne-vơ 1962 về Lào đã được ký kết, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho cách mạng hai nước Lào và Việt Nam. Trước thời cơ và điều kiện thuận lợi đó, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, là dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất.

Sau khi hai nước được hoàn toàn giải phóng, để đưa quan hệ Việt Nam – Lào phát triển toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977. Bốn mươi tư năm qua, Hiệp ước đã trở thành cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để hai nước không ngừng củng cố và phát triển quan hệ, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

thu-tuong-pham-van-dong-va-thu-tuong-cayxon-phomvihan-ky-ket-hiep-uoc-huu-nghi-va-hop-tac.jpg
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Cayxỏn Phômvihản ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác 2 nước Việt Nam - Lào, ngày 18/7/1977. Ảnh: TTXVN

1-.png

Trong những năm kháng chiến, với tình cảm quốc tế cao cả, trong sáng, thủy chung, biết bao người con xứ Nghệ đã gạt tình riêng, vì nghĩa lớn, rời quê hương sang nước bạn Lào cùng chiến đấu chống kẻ thù chung để giành độc lập, tự do cho hai dân tộc. Hòa bình lập lại, hàng trăm chuyên gia, hàng ngàn cán bộ của tỉnh Nghệ An lại tiếp tục lên đường sang các tỉnh bạn của Lào để giúp khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại các công trình phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh.

Đến nay, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Nghệ An và các tỉnh bạn Lào không ngừng được củng cố, duy trì và phát triển. Các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân với các tỉnh Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Hủa Phăn, Viêng Chăn, Xây Xổm Bun, Khăm Muộn, Xavannakhet ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các đoàn thăm, làm việc, học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau được tổ chức thường xuyên, đa dạng; từ cấp tỉnh, sở, ngành tới cấp huyện. Đặc biệt, chế độ Hội đàm cấp cao luân phiên và ký kết các biên bản ghi nhớ cấp tỉnh; giao ban biên phòng, quân sự, công an, giao ban định kỳ giữa các huyện dọc biên giới được duy trì tốt và hiệu quả.

tinh-huu-nghi-Viet-Nam-Lao.png
Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào và Lào - Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá các thỏa thuận hợp tác năm 2019 và trao đổi phương hướng hợp tác năm 2020 (ảnh trên); Nghệ An và các tỉnh nước bạn Lào cùng chung biên giới tổng kết phong trào phối hợp, kết nghĩa xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị. Ảnh: Thành Duy - Lê Thạch

Tỉnh Nghệ An điện mừng nhân ngày kỷ niệm thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Lào; chúc mừng Tết cổ truyền Bunpimay các tỉnh Lào, chúc mừng thành công Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Lào lần thứ XI, Quốc hội mới nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào anh em.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh Lào tổng cộng 111 tỷ 762 triệu đồng, trong đó có dự án Bệnh viện Hữu nghị tỉnh Xiêng Khoảng (do Chính phủ Việt Nam đầu tư) 90 tỷ đồng.

Trong phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Nghệ An đã trao tặng các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bôlykhămxay, Xavannakhet trang thiết bị y tế và lương thực, thực phẩm trị giá 1,75 tỷ đồng. Bộ đội Biên phòng quyên góp giúp đỡ các tỉnh biên giới và lực lượng bảo vệ biên giới Lào 349 triệu đồng. Công an tỉnh hỗ trợ vật tư y tế trị giá 400 triệu đồng. Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Nghệ An vận động các doanh nghiệp hỗ trợ cho Lào 200.000 khẩu trang trị giá gần 2 tỷ đồng.

tinh-nghe-an-ho-tro-cac-tinh-nuoc-ban-lao-phong-chong-covid-19-xuan-bac-hai-thuong-hung-phong.png
Tỉnh Nghệ An hỗ trợ các tỉnh nước bạn Lào phòng, chống Covid-19. Ảnh: Xuân Bắc - Hải Thượng - Hùng Phong

Năm 2021, tỉnh Nghệ An tổ chức lễ đón và an táng 95 hài cốt liệt sĩ hy sinh ở các chiến trường Lào tại Nghĩa trang huyện Nghi Lộc. Tổ chức bổ sung tư liệu và nâng cấp Phòng trưng bày Cuộc đời, thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Hiện Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành đang làm việc với các nhà tài trợ quốc tế lập báo cáo nghiên cứu khả thi đường bộ cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn qua cửa khẩu Thanh Thủy. Xây dựng Trạm xá quân dân y Nậm On tỉnh Bôlykhămxay. Giúp Bệnh viện Xiêng Khoảng trang thiết bị y tế, chuyên môn về siêu âm, hồi sức cấp cứu, sản phụ khoa, chấn thương chỉnh hình, tai mũi họng; khám và chữa bệnh cho người dân các huyện biên giới Lào. Tỉnh Nghệ An xây dựng đĩa phim du lịch “Khám phá Nghệ An’’, sổ tay du lịch, mở trang zalo, facebook giới thiệu đến thị trường du lịch Lào.

cua-khau-nam-can-tien-dong.jpg
Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn. Ảnh: Tiến Đông

Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2021 qua Lào đạt 21,5 triệu USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái với các mặt hàng vật liệu xây dựng, thủy sản, dệt may, phân bón, thiết bị. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,3 triệu USD, tăng 56%, với các mặt hàng khoáng sản, ngô, sắn,…

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Nghệ An rất coi trọng việc hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các tỉnh nước bạn Lào. Hiện tại, các trường đại học, cao đẳng tỉnh Nghệ An đào tạo 609 cán bộ, học sinh Lào. Có 1 nghiên cứu sinh Lào bảo vệ luận văn Tiến sĩ đầu tiên tại Trường Đại học Vinh. Năm 2021, tỉnh Nghệ An trích ngân sách hỗ trợ đào tạo cho Lào 20 tỷ đồng.

Về đối ngoại nhân dân, các huyện biên giới phối hợp với Bộ đội Biên phòng vận động bà con không di dịch cư tự do; kết hôn không giá thú; không truyền đạo trái phép; không sử dụng, mua bán, vận chuyển, tàng trữ chất ma túy và hàng cấm; không tái trồng cây thuốc phiện; không nghe theo luận điệu xấu của kẻ địch; bảo vệ cột mốc quốc giới, thực hiện tốt Hiệp định biên giới, xây dựng đường biên giới Việt Nam – Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

tinh-huu-nghi-Viet-Nam-Lao-2.png
Hội Phụ nữ xã Mỹ Lý và Hội Phụ nữ cụm bản Loong Cắng, huyện Mường Quắn tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào tổ chức ký kết nghĩa; Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Lý trao đổi với người dân bản biên giới Phà Chiếng và cán bộ công an biên phòng nước bạn Lào; Đồn Biên phòng Nhôn Mai (phải) tuần tra song phương đường biên, cột mốc với nước bạn Lào. Ảnh: Khánh Ly - Hoài Thu

Phong trào kết nghĩa bản – bản, đồn trạm biên phòng hai bên biên giới liên tục phát triển. Đến nay đã có 21 cặp bản, 8 đồn trạm kết nghĩa mang lại hiệu quả tốt về kinh tế, văn hóa và an ninh biên giới.

Cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh với 54 năm thành lập, có 12 Hội thành viên và hơn 4.000 hội viên. Hội phối hợp với các trường đại học, cao đẳng cùng các phường Hưng Dũng, Trường Thi, Cửa Nam, Hồng Sơn (TP. Vinh) tổ chức kết nghĩa gia đình hội viên với sinh viên Lào. Hội tổ chức cho Hội Chuyên gia Nghệ An, cựu Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự nhận kỷ niệm chương và thắp nến tri ân các liệt sĩ Việt Nam tại Nghĩa trang Hữu nghị quốc tế Việt – Lào Anh Sơn.

Tet-Bunpimay-cua-du-hoc-sinh-Lao-tai-Nghe-An-Thanh-Quynh.png
Tết Bunpimay của du học sinh Lào tại Nghệ An. Ảnh: Thanh Quỳnh

Mối quan hệ gắn bó vô cùng mật thiết đó, trong khó khăn càng được nhân lên gấp bội với tinh thần sẻ chia sâu sắc. Vui mừng những thắng lợi to lớn mà nước bạn Lào đã nỗ lực phấn đấu giành được trong suốt 46 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith và nhân dân các bộ tộc Lào tiếp tục thu được nhiều thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng nước Lào phồn thịnh, phát triển. Tỉnh Nghệ An nguyện luôn sát cánh cùng nhân dân Lào anh em, phấn đấu xây dựng hai đất nước không ngừng phát triển; tiếp tục góp phần đưa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Nghệ An – Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Hủa Phăn lên tầm cao mới, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Thu-do-Vieng-Chan-CHDCND-Lao.png
Thủ đô Viêng Chăn (CHDCND Lào). Ảnh: Tư liệu
  • Nội dung: Trần Kim Đôn - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Nghệ An
  • Ảnh: PV-CTV-Tư liệu
  • Thiết kế - Kỹ thuật: Hữu Quân