Số liệu báo cáo cho thấy, năm 2021, Thái Nguyên xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số cải cách hành chính với tổng số điểm đạt được là 89,20, tăng 6 bậc so với năm 2020 (sau các tỉnh thành lần lượt là: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Vĩnh Phúc). Nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều thành công, điển hình như việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; trao đổi xử lý hồ sơ công việc và văn bản trên môi trường điện tử; phương pháp chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính có nhiều sáng tạo, đổi mới và phát huy hiệu quả rõ nét.
Ngay sau khi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành công tốt đẹp, toàn Đảng bộ, các ngành, các cấp, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là nhiệm vụ trọng tâm, là điểm nhấn trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ đột phá nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của tỉnh, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính, triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
Tính đến tháng 5.2021, đã cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (vượt 7 tháng so với kế hoạch). Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố với 89,42%, tăng 13 bậc so với năm 2020. Tỉnh đã công bố 1.231 thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện thực hiện cung cấp và thực hiện mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Chỉ đạo các ngành liên quan triển khai xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh người dân; hồ sơ sức khỏe toàn dân. Tích hợp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với chức năng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia… nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác quản lý, điều hành, phục vụ nhân dân của chính quyền tỉnh.
Nâng cao hiệu lực công tác chỉ đạo, điều hành
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đào Ngọc Tuất, nhằm hoàn thành mốc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện số hóa thủ tục hành chính đối với cấp tỉnh bắt đầu từ ngày 1.6.2022, cấp huyện từ ngày 1.12.2022, cấp xã từ ngày 1.6.2023, đối với các xã thuộc vùng sâu, vùng xa địa bàn đặc biệt khó khăn phải trước ngày 31.12.2024, đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng thông dịch vụ công của tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử của các đơn vị, địa phương. Tổ chức Hội nghị tập huấn giải quyết thủ tục hành chính cho gần 80 học viên là cán bộ phụ trách một cửa, cán bộ xử lý hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương về thực hiện quy trình số hóa hồ sơ thủ tục hành chính và thực hiện đồng bộ dữ liệu về kho dữ liệu thủ tục hành chính dùng chung tỉnh Thái Nguyên.
Trung tâm điều hành thông minh được triển khai thí điểm với 11 nền tảng công nghệ số, như tích hợp hiển thị thông minh IOC; tích hợp quản lý camera tập trung; xử lý giám sát điều hành giao thông; hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử… Đặc biệt là triển khai phần mềm ứng dụng “C-ThaiNguyen” được đưa vào sử dụng từ tháng 6.2021 đến nay đã có trên 200 nghìn lượt cài đặt, sử dụng, số phản ánh tiếp nhận tính đến 31.5.2022 là trên 1 nghìn lượt, nhiều lượt phản ánh đã cung cấp thông tin chính xác, góp phần làm tốt công tác quản lý của các ngành, chính quyền địa phương, chuyển các địa phương, cơ quan liên quan giải quyết thỏa đáng 608 phản ánh, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Bên cạnh đó, việc đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào kỳ họp thể hiện sự lãnh đạo quyết liệt và thống nhất cao của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cấp cơ sở. Việc chuyển đổi từ hình thức họp với văn bản truyền thống sang ứng dụng số đã và đang được triển khai tại tất cả các phiên họp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Phòng họp không giấy tại tỉnh Thái Nguyên được triển khai lần đầu tiên vào tháng 4.2021 đã tạo lập môi trường, phong cách làm việc hiện đại; nâng cao hiệu lực công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền tỉnh, xây dựng chính quyền số giúp giảm chi phí văn phòng phẩm, tiết kiệm ngân sách nhà nước cho việc in ấn tài liệu với số tiền trên 3 tỷ đồng/năm.
Tâm Anh