Kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công

Theo Báo cáo, việc thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua luôn được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung tổ chức triển khai thực hiện với nhiều biện pháp cụ thể, quyết liệt. Trong bối cảnh khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19 và sự biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, UBND tỉnh đã có nhiều nỗ lực, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đồng chí Cao Tiến Trung - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Nghệ An, từ năm 2021 đến năm 2023

Trong 3 năm 2021 - 2023, đã kết thúc 223 dự án, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên nhiều lĩnh vực như: giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Về xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm: UBND tỉnh đã kịp thời trình HĐND tỉnh quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với định hướng phát triển được xác định tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh và bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm.

Về công tác theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025: UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện theo dõi, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công của tỉnh bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương; kịp thời cập nhật, quản lý hệ thống thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công.

Kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm (chưa bao gồm các Chương trình mục tiêu quốc gia): Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 20.914,71 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết: 20.796,59 tỷ đồng, đạt 99,44% tổng kế hoạch; Chưa phân bổ: 118,12 tỷ đồng. Nguồn ngân sách trung ương đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch đợt 1; Nguồn ngân sách địa phương đã thực hiện điều chỉnh 03 đợt.

Về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công hằng năm từ năm 2021 đến năm 2023: Tổng kế hoạch đã bố trí các năm 2021 - 2023 là 13.436,172 tỷ đồng, đạt 64,24% kế hoạch trung hạn. Giải ngân 2021 - 2023: 12.665,77 tỷ đồng, đạt 94,27% (chưa bao gồm kế hoạch năm 2023 kéo dài sang năm 2024). Các năm 2021 - 2023 đã bố trí triển khai thực hiện 407 dự án/KH trung hạn 456 dự án, đạt 89%. Trong đó: đã kết thúc 223 dự án; 182 dự án đang triển khai thực hiện; 02 dự án đang vướng mắc khó hoàn thành trong năm 2025 theo tiến độ.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh Nghệ An

Đã thực hiện 14 đợt điều chỉnh với 227 lượt dự án/số vốn điều chỉnh 884,31 tỷ đồng. Việc bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước: các năm 2021 - 2022 thực hiện giải ngân (thực hiện nghiệp vụ thu hồi) 406,706 tỷ đồng, đạt 100%.

Về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025: Tổng số dự án HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư: 37 dự án/41 lần điều chỉnh.

Về kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách tỉnh đã bố trí trả nợ cho 19 dự án với số vốn 74,427 tỷ đồng và đã bố trí đủ 100% số vốn này trong năm 2021 - 2022 để thanh toán nợ.

Về tình hình phân bổ và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí 1.775.709 triệu đồng; Số vốn giai đoạn 2021 - 2023 đã giao 962.690 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 54,3% so với kế hoạch trung hạn) đã giải ngân đến 31/01/2024 là 827.719 triệu đồng, tỷ lệ 85,97%.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi: Số vốn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí 2.649.811 triệu đồng; Số vốn giai đoạn 2021 - 2023 đã giao 1.124.452 triệu đồng (tỷ lệ 42,4% so với kế hoạch trung hạn), đã giải ngân đến 31/01/2024 là 906.965 triệu đồng, đạt tỷ lệ 80,65%.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Số vốn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí 918.868 triệu đồng; Số vốn giai đoạn 2021 - 2023 đã giao 509.976 triệu đồng (tỷ lệ 55,5% so với kế hoạch trung hạn), đã giải ngân đến 31/01/2024 là: 321.104 triệu đồng, đạt 62,9%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo cũng chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện thực hiện kế hoạch đầu tư công như:

Việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để xây dựng kế hoạch đầu tư công chưa sát thực tế. Việc phân kỳ đầu tư một số công trình, dự án chưa phù hợp, thi công thiếu đồng bộ, kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành, một số công trình chưa hoàn thành giai đoạn đã bị xuống cấp, hư hỏng, chưa phát huy hiệu quả nguồn vốn đã bố trí.

Việc bố trí vốn đối ứng cấp huyện, xã để thực hiện các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương vẫn còn hạn chế, chưa bảo đảm theo kế hoạch đã được phê duyệt. Một số nguồn vốn phân bổ chi tiết chậm so với thời gian quy định. Công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Đặc biệt một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án nhiều lần làm mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Một số dự án chuyển tiếp, đầu tư từ giai đoạn trước nhưng vẫn chưa hoàn thành, bàn giao đi vào sử dụng và khai thác.

Việc tạm ứng, thu thồi tạm ứng đến thời điểm 31/8/2024, vẫn còn 88 dự án có số dư tạm ứng quá hạn, khó thu hồi với số tiền: 56.521.548.841 đồng. Một số chủ đầu tư chưa thu hồi được vốn tạm ứng quá hạn với giá trị vốn tạm ứng phải thu hồi lớn.

Kết quả giải ngân kế hoạch một số năm chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài chỉ đạt từ 52% đến 60%. Tiến độ triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp. Công tác lập hồ sơ, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành nhìn chung vẫn còn chậm so với quy định.

Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn tới, Thường trực HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện 07 nhóm giải pháp như sau:

  1. Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp. Chủ động rà soát kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm đạt kết quả cao nhất, sớm hoàn thành kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.
  2. Rà soát, kịp thời báo cáo, kiến nghị Trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chưa phù hợp liên quan đến đầu tư công và ngân sách. Rà soát, cập nhật các quy định mới có liên quan đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm để xây dựng các nghị quyết trình HĐND tỉnh ban hành theo thẩm quyền bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
  3. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước để bố trí kế hoạch vốn, đáp ứng nhu cầu vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Rà soát tổng thể các công trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh đang còn dở dang, kéo dài chưa hoàn thành, còn vướng mắc để phân loại, xem xét giải quyết, đề xuất chuyển tiếp đưa vào kế hoạch đầu tư công của giai đoạn tiếp theo.
  4. Chỉ đạo các chủ đầu tư thường xuyên rà soát các bất cập, kịp thời hoàn chỉnh các thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị; kịp thời điều chuyển số vốn của các dự án có vướng mắc chưa giải ngân hoặc các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án khác có nhu cầu sử dụng vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
  5. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát, lập đề xuất, thẩm định chủ trương đầu tư, đảm bảo chất lượng dự án, tránh điều chỉnh nhiều lần. Tăng cường chỉ đạo công tác lập hồ sơ, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành bảo đảm đúng quy định. Tiếp tục chỉ đạo rà soát các khoản tạm ứng còn tồn đọng kéo dài và có giải pháp thu hồi các khoản tạm ứng để hoàn trả ngân sách theo quy định.
  6. Đối với công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030: UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất các công trình, dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn tiếp theo bảo đảm phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm trình tự, thủ tục; không bố trí dàn trải, manh mún; tập trung bố trí vốn để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng của tỉnh; …

Thực hiện bố trí vốn theo đúng hướng dẫn và quy định của pháp luật về đầu tư công; rà soát, ưu tiên bố trí vốn những năm đầu kỳ kế hoạch cho các dự án chuyển tiếp của giai đoạn 2021 - 2025, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành dự án, phát huy hiệu quả của nguồn vốn và sớm đưa dự án đi vào hoạt động, tránh lãng phí.

Đối với những dự án trọng điểm của tỉnh, thực hiện việc tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công theo quy định Luật Đất đai, Nghị quyết số 137/2024/QH15 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và các quy định có liên quan.

  1. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; Thường xuyên chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư dự án kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện dự án. Đồng thời, rà soát, đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các dự án có dấu hiệu lãng phí, chậm tiến độ.