ĐBQH Đặng Xuân Phương (Nghệ An):
Có chiến lược truyền thông đúng nghĩa trong “cuộc chiến” chống dịch và phục hồi kinh tế
Ảnh: Q. Khánh
Báo cáo của Chính phủ cần có thêm những đánh giá thực sự xác đáng, đúng tầm về vai trò của thông tin và truyền thông, một lĩnh vực đã trở thành nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, là liều thuốc tinh thần bảo vệ sức chịu đựng lâu dài của Nhân dân thoát khỏi đại dịch. Để góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, truyền thông, tôi đề nghị Chính phủ cần có một chiến lược truyền thông theo đúng nghĩa cho cuộc chiến chống dịch bệnh lâu dài cũng như phục hồi kinh tế. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước được truyền tải nhanh nhất, trực tiếp nhất đến người dân thông qua các “thông điệp” ngắn, gọn, do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đưa ra, dẫn dắt hành động của người dân nên tất cả các cấp, ngành phải nắm lấy toàn bộ đủ, chính xác để giải thích được với mọi người. Các thông điệp đó cần phải được tư vấn truyền thông một cách chuyên nghiệp, không xuất hiện một cách ngẫu hứng hay đến từ những ý tưởng, đề xuất mang tính phong trào.
Thời gian qua, có biểu hiện do dịch bệnh phức tạp, tình hình giao thương, kinh tế có nhiều khó khăn nên trên mạng xã hội xuất hiện thêm nhiều thông tin xấu độc, tin giả, tin chưa được kiểm chứng do một số đối tượng, cá nhân đăng tải, thậm chí thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ, tiềm tàng nguy cơ bất ổn, gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh và trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, còn phải kể đến các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo và từ thiện để trục lợi. Trước thực tế này, tôi đề nghị Quốc hội sớm tổ chức giám sát về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng xã hội và yêu cầu các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, khẩn trương xử lý, làm rõ trách nhiệm trước pháp luật của các bên. Đồng thời, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này.
Các sản phẩm thông tin giải trí trên các phương tiện truyền thông đại chúng đóng vai trò là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi gia đình, mọi người dân trong xã hội. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm thông tin này rất đa dạng, được phát tràn lan trên các nền tảng số xuyên quốc gia, gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu sản xuất các chương trình giải trí và phim trên các kênh truyền hình trong nước. Trong quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, chúng ta càng phải quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đã được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Trong đó, cần quan tâm đầu tư cho công nghiệp văn hóa và truyền thông đại chúng, với định hướng chiến lược rõ ràng, giúp nâng cao chất lượng phim và các sản phẩm giải trí phổ biến trên các kênh truyền hình trong nước và hướng tới xuất khẩu.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương):
Lộ trình mở cửa kinh tế là kim chỉ nam cho doanh nghiệp
Ảnh: Q. Khánh
Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, việc quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 không thể tách rời các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là lộ trình mở cửa nền kinh tế và quy mô, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, các gói an sinh xã hội.
Trước mắt, từ nay đến hết năm 2021, cần triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ một cách đồng bộ, quyết liệt trên phạm vi cả nước; xử lý triệt để những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng quốc gia, mạng lưới logistics; tạo thuận lợi tốt nhất để doanh nghiệp tự phục hồi, người dân tìm lại sinh kế. Cần đưa ra lộ trình mở cửa các hoạt động kinh tế nhất quán với quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Lộ trình mở cửa kinh tế bên trong và bên ngoài chính là kim chỉ nam cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Quốc hội có thể xem xét tăng mức bội chi ngân sách trong 2 năm 2022 - 2023 cao hơn mức 4% GDP như Chính phủ trình trong kế hoạch 2022. Có thể sử dụng đầu tư công như công cụ kích thích tổng cầu, làm “vốn mồi” để thu hút đầu tư xã hội; rà soát danh mục đầu tư công trung hạn theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cầu hạ tầng giao thông, kết nối mạng lưới logistics và liên kết vùng, xây dựng hạ tầng số và tăng vốn đối ứng để thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Hiện nay, tuy chúng ta lo lắng về trần nợ công và tỷ lệ nợ đến hạn phải trả so với tổng thu ngân sách hằng năm, nhưng dù sao dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn rộng hơn so với chính sách tiền tệ khi phải linh hoạt ứng phó với áp lực tăng nợ xấu và kiểm soát lạm phát.
Đối với các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ đề nghị tốc độ tăng GDP khoảng 6 - 6,5% so với năm 2021, dường như Chính phủ chưa dự báo hết tình hình dịch Covid-19 trong năm tới và khả năng phục hồi của các địa bàn kinh tế trọng điểm bị ảnh hưởng nặng nề hiện nay.
Tôi đồng tình với chỉ tiêu GDP như Chính phủ dự tính để có cân đối vĩ mô thích hợp, nhưng cần tính toán mang tính đột phá hơn, không thể làm như cách cũ trong giai đoạn mới. Cần có chính sách và giải pháp tạo động lực đủ mạnh cho doanh nghiệp tái cơ cấu và chuyển đổi số, tận dụng những ưu đãi của các hiệp định FTA song phương và đa phương, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế trong quan hệ kinh tế toàn cầu, tạo mối quan hệ gắn kết giữa khu vực kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài. Chính phủ sớm xây dựng và trình Quốc hội ban hành Chương trình quốc gia trung hạn phục hồi kinh tế trong 2 năm 2022 - 2023, nhằm khắc phục những tổn thất về kinh tế trong 2 năm 2020 - 2021 và tạo tiền đề cho phát triển bền vững trong các năm sau; gắn nội dung của chương trình này với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang):
Tăng cường quản trị để phòng ngừa rủi ro
Ảnh: Doãn Tấn
Các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 được xây dựng theo kịch bản tăng trưởng khá tích cực. Đây là mong muốn đồng thời thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có những yếu tố tác động đòi hỏi phải có giải pháp tăng cường quản trị để phòng ngừa rủi ro, tăng tính khả thi trong thực hiện kế hoạch.
Về kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước năm 2022 hiện đang dự kiến cao hơn năm 2021. Trong khi đó, thực tế cho thấy, vừa qua một số trung tâm kinh tế, công nghiệp quan trọng có đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước lớn đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 dẫn tới việc đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất thương mại, mất thị trường, thiếu hụt cục bộ nguồn nhân lực ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và thu nộp ngân sách nhà nước. Để khôi phục trạng thái ban đầu cũng cần có thời gian và lộ trình hàn gắn nhất định.
Bên cạnh đó, kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi nhưng không đồng đều, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng không chỉ đến thị trường tiêu thụ mà cả thị trường các yếu tố đầu vào. Những khó khăn này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước cả khâu xuất nhập khẩu cũng như thu nội địa. Vì vậy, để quản trị tăng thu, bên cạnh các giải pháp cụ thể như xây dựng chính sách nuôi dưỡng, kích thích tăng trưởng nguồn thu, tháo gỡ vướng mắc bất cập, cải thiện công tác quản lý thu, đôn đốc truy thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại. Chính phủ cũng cần dự kiến phương án dự phòng để điều chỉnh cơ cấu, quy mô, huy động nguồn thu trong những tình huống phát sinh không mong đợi.
Trong tổ chức thực thi các kế hoạch, cần quan tâm đến khâu tổ chức thực hiện ở cấp thực thi. Kế hoạch tổng thể của Trung ương thể hiện tầm nhìn vĩ mô nhưng không thể thay thế kế hoạch tổ chức thực hiện cho các cấp thực thi. Các bộ phận trực tiếp thực hiện phải xây dựng kế hoạch chi tiết gắn với thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh, thế mạnh cụ thể của đơn vị mình chứ không nêu chủ trương, nguyên tắc như cấp Trung ương. Nếu rập khuôn, thiếu linh hoạt, thiếu sáng tạo sẽ khó phát huy lợi thế, tiềm năng của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để tập hợp sức mạnh đóng góp cho mục tiêu chung. Chính phủ cần quan tâm thêm đến khía cạnh này để kiểm soát, chấn chỉnh và khắc phục.
Phương Thủy - Hồ Long - Trung Thành ghi