Đa dạng mô hình

Được tham gia lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Chương phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thanh Sơn (Thanh Chương) tổ chức, đối với chị Lô Thị Dung, bản Thanh Hoà (xã Thanh Sơn) là vô cùng ý nghĩa. Ngoài làm nông, chị Dung đã có thêm nghề dệt, tạo nguồn thu nhập ổn định từ công việc thứ hai này.

Các chương trình MTQG hỗ trợ người dân vùng đồng bào miền núi phát triển, nâng cao giá trị kinh tế các sản phẩm đặc sản của địa phương

Chị Dung chia sẻ: “Nhiều phụ nữ trong bản, trong xã được theo học miễn phí hơn 2 tháng. Lúc nông nhàn, chúng tôi tranh thủ dệt thổ cẩm. Vừa giữ gìn nghề truyền thống, vừa có việc làm. Tiếp cận những họa tiết mới, kiểu dáng mới, cách thức triển khai mới đã giúp cho những sản phẩm làm ra đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao của thị trường để tạo thêm nguồn thu đáng kể”.

Được biết, thời gian qua Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, vươn lên làm chủ cuộc sống. Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tiếp tục vận động các tập thể, cán bộ, hội viên phụ nữ chung tay góp sức, huy động nguồn lực tập trung cho các hoạt động hướng về hội viên, phụ nữ vùng biên giới. Triển khai Dự án về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, năm 2023 Hội LHPN tỉnh tổ chức các lớp tập huấn; thành lập các mô hình hỗ trợ sinh kế cho hội viên.

Hội LHPN thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương đã trao 01 cặp lợn giống trị giá 2 triệu đồng cho GĐ hội viên Lê Thị Kỷ - Bản Mon

Bằng cách hỗ trợ con giống, vốn vay, kỹ thuật sản xuất, hướng dẫn thay đổi tư duy làm ăn, thay đổi nếp nghĩ, cách làm… Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã giúp nhiều hộ nông dân khó khăn vươn lên phát triển kinh tế; góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo của tỉnh. Theo đó, hằng năm được Hội Nông dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo xây dựng 15-20 mô hình nhằm giúp hội viên làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Điển hình như mô hình “Sinh kế giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững” được triển khai tại xã Phúc Sơn (Anh Sơn) và xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ), mỗi xã có 16 hộ nghèo có nguyện vọng và điều kiện phát triển chăn nuôi tham gia; mô hình hỗ trợ giống cây, hỗ trợ cải tạo vườn ở huyện Thanh Chương; Chương trình “Ngân hàng bò” ở xã vùng biên Nậm Cắn - Kỳ Sơn,...

Tạo sinh kế bền vững

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (gần 16.500 km2), diện tích vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh lên tới 13.745 km2, là tỉnh đa dạng về dân tộc, toàn tỉnh có dân số 1.197.628 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc thiểu số với 05 dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu; có 27 xã biên giới với 24 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, tiếp giáp với 03 tỉnh (Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bô Li Khăm Xay) của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Vì vậy, việc tạo sinh kế khơi dậy khát vọng, năng lực vươn lên trong phát triển kinh tế; xây dựng văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc thù ở Nghệ An là vấn đề hết sức quan trọng.

Ban Dân tộc tỉnh ký kết chương trình phối hợp công tác với các sở, ban, ngành hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc miền núi

Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX xác định “Nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng miền núi đặc biệt khó khăn theo hướng thiết thực, bền vững”. Tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã chỉ đạo “Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về rừng kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu.

Điều đó cho thấy công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc miền núi, tôn giáo là nhiệm vụ có tính chiến lược, lâu dài, là một trong những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong mục tiêu phát triển tỉnh Nghệ An và nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh. Bằng cách lồng ghép các cơ chế, chính sách, chính quyền và Nhân dân các địa phương khu vực miền Tây Nghệ An không ngừng nỗ lực để công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực nhất. Hàng năm, thông qua chương trình hỗ trợ Quỹ Vì người nghèo đã có hàng chục tỷ đồng được đóng góp từ các doanh nghiệp đã đến được người nghèo một cách thiết thực nhất. Hơn 10 năm thực hiện chủ trương mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận giúp đỡ một xã nghèo do UBND tỉnh Nghệ An phát động đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo, xã nghèo của tỉnh.

Những năm qua, cùng với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của các xã miền núi khó khăn ở Nghệ An đã có phần thay đổi. Cơ sở hạ tầng được xây dựng ngày càng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập của người dân được nâng lên. Kinh tế chuyển dịch theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình sản xuất mới được hình thành và nhân rộng, đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần vào công cuộc giảm nghèo ở các huyện miền núi. Phong trào xây dựng bản văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, các hệ thống thiết chế văn hóa ở các thôn bản từng bước được xây dựng, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đời sống tinh thần của bà con không ngừng được nâng lên. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực chăm lo sản xuất kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường. Hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động... đảm bảo điều kiện khác cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống mới của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hội Nông dân huyện Thanh Chương kết nối với doanh nghiệp hỗ trợ về cá giống nuôi cá ở đập Tràng Không, xã Thanh Xuân.

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo vùng miền núi dân tộc thiểu số của tỉnh còn chiếm tỷ lệ cao so với bình quân chung của cả nước là thách thức lớn của tỉnh Nghệ An. Để đạt được mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đó là giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều mỗi năm khoảng 1% - 1,5%, trong đó vùng miền núi từ 2% - 3% đòi hỏi các cấp ủy chính quyền cần xác định rõ mục đích, ý nghĩa công tác giảm nghèo; phát huy tinh thần chia sẻ, tương thân, tương ái cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động vận động ủng hộ giúp đỡ các xã nghèo. Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo; đồng thời triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đặc biệt chú trọng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đang triển khai.

“Muốn thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững, phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều quan trọng nhất hiện nay là làm cách nào để loại bỏ tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại, tạo sinh kế bền vững, phát huy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống của chính họ”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long nhấn mạnh.