Đại biểu tham gia kỳ họp thứ 23

Góp phần tháo gỡ nhiều việc khó

Vấn đề nước sạch và bảo vệ môi trường vùng nông thôn, không chỉ là hai tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, mà điều quan trọng là góp phần bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cho người dân. Tuy nhiên, thời điểm đầu năm 2022, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch tập trung ở huyện Quỳnh Lưu mới chỉ đạt chưa đầy 20%. Trong khi đó, trên địa bàn huyện, bên cạnh một số nhà máy nước chưa đáp ứng về công suất, thì một số dự án có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai và triển khai đầu tư cầm chừng. Bên cạnh đó, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt đặt ra nhiều tồn tại, gây bức xúc trong Nhân dân, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường nông thôn, đặc biệt là sức khoẻ của Nhân dân.

Từ thực tiễn đó, tháng 6/2022, Thường trực HĐND huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức phiên giải trình đối với UBND huyện về cung ứng nước sạch và công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện. Ông Hồ Sỹ Nguyệt – Phó Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Việc tổ chức phiên giải trình, ngoài lãnh đạo UBND huyện và các phòng, ngành liên quan cấp huyện, còn có Chủ tịch UBND, cử tri các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và chủ các doanh nghiệp cung ứng nước sạch, doanh nghiệp làm dịch vụ môi trường. Với việc mở rộng đối tượng tham gia phiên giải trình để “ba mặt một lời” trong việc đánh giá hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc; đồng thời đưa ra giải pháp và trách nhiệm của các bên liên quan. Sau thời gian một năm tiến hành giải trình, Thường trực HĐND huyện tiếp tục tổ chức phiên họp yêu cầu UBND huyện báo cáo kết quả, làm rõ các khó khăn, vướng mắc; Thường trực HĐND huyện cũng đề xuất và được Thường trực, Ban Thường vụ Huyện uỷ Quỳnh Lưu đưa nội dung theo dõi, chỉ đạo hàng tháng.

Thường trực HĐND huyện Quỳnh Lưu: Tổ chức phiên họp giải trình về “Công tác chỉ đạo, quản lý rừng và đất rừng” và “Tình hình cung ứng nước sạch - công tác vệ sinh môi trường” trên địa bàn huyện

Chính từ sự bài bản đó, sau hơn 2 năm tiến hành giải trình, phạm vi số xã được dùng nước sạch tập trung ở huyện Quỳnh Lưu tăng từ 5 xã lên 11 xã và tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch tập trung tăng lên 25,61%. Huyện cũng kiên quyết đề xuất và được UBND tỉnh ban hành quyết định chấm dứt, huỷ bỏ dự án cấp nước sạch vùng Nam Quỳnh Lưu – Bắc Diễn Châu, xã Quỳnh Diễn; đồng thời đang xúc tiến dự án đấu nối nước từ Nhà máy nước Hoàng Mai về; thực hiện quy trình chuyển đổi mô hình hoạt động, nâng công suất cấp nước của Công ty cấp nước Quỳnh Lưu từ 10.000 m3/ngày đêm lên 30.000 m3/ngày đêm. Về công tác bảo vệ môi trường, sau phiên giải trình, trách nhiệm của các địa phương được nâng lên và sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể tích cực hơn trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức các mô hình bảo vệ môi trường để lan toả; khắc phục tình trạng ùn đọng và tập kết rác không đúng nơi quy định.

Cùng với giải trình về cung cấp nước sạch sinh hoạt và bảo vệ môi trường; thời gian qua, Thường trực HĐND huyện Quỳnh Lưu cũng tiến hành phiên giải trình công tác quản lý rừng và đất rừng. Sau phiên giải trình, nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là chính quyền cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ được nâng lên; không phát sinh tình trạng sử dụng đất rừng trái phép. UBND huyện đang tiến hành quy hoạch đất rừng để trình tỉnh phê duyệt nhằm đưa công tác quản lý hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Hoạt động phiên giải trình cũng được Thường trực HĐND huyện Quế Phong quan tâm với ba phiên giải trình, tập trung vào những vấn đề, khó khăn, vướng mắc thực tiễn đang đặt ra. Bao gồm, giải trình về giải quyết tồn đọng trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện; công tác xắp xếp, xử lý nhà đất, tài sản công. Ông Lưu Văn Hùng – Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong cho biết: Từ việc nêu đúng, trúng những tồn tại, hạn chế; đồng thời chia sẻ những khó khăn của chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành tại phiên giải trình; kết luận rõ các nội dung công việc cần làm, rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị; các nội dung giải trình đều có kết quả tích cực. Ví dụ như sau phiên giải trình về tồn đọng trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 12/2022; các cấp, các ngành đã rà soát, thông kê tổng tồn đọng 1.515 trường hợp, đồng thời “bóc tách” rõ 662 trường hợp đủ điều kiện cấp giấy và 853 trường hợp chưa đủ điều kiện. Trong 662 trường hợp đủ điều kiện đã tháo gỡ và đã cấp hơn 200 trường hợp. Tương tự, sau giải trình về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhiều dự án vướng mắc đã được tháo gỡ để hoàn thành. Điển hình như Dự án xây dựng cầu và đường 2 bên cầu vào bản Minh Tiến, xã Châu Thôn); Dự án cầu cứng qua sông tại bản Ná Phày, xã Mường Nọc; Dự án trụ sở cơ quan Viện kiểm sát Nhân dân huyện Quế Phong; Dự án đường dây 110 KW Châu Thôn; Dự án di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, xã Thông Thụ…

“Theo đuổi đến cùng” vấn đề

Giải trình là một hình thức giám sát quan trọng và trực tiếp của Thường trực HĐND các cấp thông qua tổ chức cuộc họp giữa các bên có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện các nội dung được lựa chọn đưa giải trình, kể cả đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của vấn đề đó nhằm giải quyết, tạo chuyển biến tích cực sau giải trình.

Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên giải trình về công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động

Theo dõi hoạt động phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, cho thấy, việc lựa chọn nội dung để giải trình được Thường trực HĐND tỉnh cân nhắc lựa chọn, tập trung những vấn đề mà dư luận đang quan tâm. Cụ thể, 6 phiên giải trình gồm: Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; Công tác giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; công tác quản lý, dử dụng tài sản công sau sáp nhập địa giới hành chính và các đơn vị sự nghiệp; Việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề; Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Kết quả thực hiện quy định một số biện pháp tăng cường giải toả vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh chọn nội dung, chất lượng phiên giải trình cũng chú trọng, đáp ứng đúng tinh thần, giải trình là nhằm cung cấp thông tin, giải thích, làm rõ, trả lời một cách công khai, minh bạch, đúng bản chất vấn đề các nội dung mà chủ thể giải trình là Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn; gắn với việc nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm, từ đó đề ra giải pháp từ cơ quan, tổ chức chịu sự giải trình là UBND, các ngành và cơ quan liên quan. Trên cơ sở kết quả phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh ban hành thông báo kết luận phiên giải trình, để UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương làm căn cứ để thực hiện; đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho từng Ban HĐND chuyên trách theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nội dung kết luận tại phiên giải trình để đảm bảo các vấn đề nêu ra tại phiên giải trình được giải quyết.

“Với tinh thần đeo bám đến cùng các nội dung được tổ chức giải trình, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh, khi tổ chức giải trình nội dung mới thì phải báo cáo kết quả thực hiện các nội dung giải trình trước đó. Việc báo cáo sẽ kết thúc đến khi các nội dung có trong các thông báo kết luận giải trình của Thường trực HĐND tỉnh được giải quyết xong” – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi nhấn mạnh.

Từ việc lựa chọn nội dung đúng và trúng; trước phiên giải trình tiến hành khảo sát hoặc giám sát thực tế; tinh thần giải trình thẳng thắn, trách nhiệm, vì nhiệm vụ chung; đồng thời theo đuổi đến cùng vấn đề đưa ra giải trình; đã tạo hiệu quả trong phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh và cấp huyện. Đây là hoạt động đang được cấp tỉnh và cấp huyện tiếp tục trăn trở tăng số lượng và nâng chất lượng trong thời gian tới./.