Dự thảo Luật BHXH sửa đổi bản mới nhất đề xuất, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Đề xuất này tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn (45 – 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc không tham gia liên tục khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhân BHXH một lần.

Đề xuất thời gian đóng BHXH tối thiểu 15 năm được hưởng lương hưu sẽ góp phần tăng số người được hưởng lương hưu, tạo nên hệ thống an sinh bao phủ hơn. Tuy nhiên, thời gian đóng BHXH ngắn thì mức hưởng của người lao động sẽ thấp.

Giảm người rút BHXH một lần

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, mức lương hưu phụ thuộc vào 2 điều kiện gồm thời gian đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu. Thời gian đóng ngắn khi đến tuổi nghỉ hưu mức hưởng không cao, nhưng đó là mức lương hưu tối thiểu. Khi người tham gia BHXH đủ 15 năm nhưng đang còn tuổi lao động, sẽ khuyến khích họ tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, tăng thời gian đóng để hưởng lương hưu cao hơn.

w-cong-nhan-803.jpg?width=0&s=btBjigdSppOgi8D76RlUew
Ảnh minh hoạ: Minh Hiền

Việc giảm thời gian đóng BHXH còn 15 năm được hưởng lương hưu thay vì 20 năm như hiện nay còn tạo ra sự hấp dẫn để giảm thiểu tình trạng người lao động rút BHXH một lần. Nhất là với thời gian đóng BHXH như hiện nay, việc tiếp cận chế độ hưu trí quá dài nên người lao động thường thiên về phương án nhận một lần.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, việc dự thảo quy định giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp, quy định này có lợi cho người lao động.

Mục tiêu giảm thời gian đóng BHXH không phải là dành cho lao động trẻ mà tạo cơ hội cho người cao tuổi tham gia BHXH muộn nhưng vẫn đủ điều kiện khi về hưu, hoặc những người tham gia gián đoạn có thể cộng dồn để hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, ông Lợi cũng lưu ý ,dự thảo Luật BHXH sửa đổi cần tính đến mức đóng và mức hưởng, bởi nếu như quy định trong dự thảo thì mức lương sẽ thấp hơn mức sống tối thiểu, thiếu hấp dẫn người lao động.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, thời gian đóng BHXH ngắn, mức đóng thấp thì mức lương hưu sẽ thấp. Nếu thấp quá không đủ sống, Nhà nước cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ để người về hưu đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Dù mức lương của người đóng BHXH 15 năm có thể thấp hơn những người có thời gian đóng dài. Tuy nhiên, những trường hợp này trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu nên nhận BHXH một lần thì nay sẽ có cơ hội hưởng lương hưu hàng tháng.

Cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh. Và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ BHXH đóng BHYT sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già.

Đảm bảo mức đóng BHXH bằng 70% thu nhập của người lao động

Để tăng mức hưởng lương hưu, bên cạnh thời gian tham gia BHXH đủ dài thì mức đóng cũng phải đảm bảo để về già lương hưu mới đủ sống.

Góp ý cho dự thảo Luật BHXH sửa đổi, một số cơ quan đề xuất đóng BHXH ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác để khi người lao động về hưu có mức lương hưu cao. Thực tế, có những người lao động muốn nâng mức đóng BHXH bởi thu nhập thực tế cao hơn rất nhiều mức đóng hiện nay, để có tiền lương hưu cao.

Về vấn đề này, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo Luật BHXH hiện hành, từ năm 2018 người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế không kiểm soát được hết dẫn đến một số doanh nghiệp có tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung khác để không đóng BHXH cho người lao động.

Vì thế, đề xuất mức đóng BHXH bằng 70% trên tổng tiền lương và các khoản thu nhập là phù hợp. Đề xuất này vừa đảm bảo điều kiện cho doanh nghiệp trong bối hiện nay gặp khó khăn, vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động.