Tại dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang được trình Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 200.000 đồng – 280.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Thời điểm áp dụng từ ngày 1/7/2024.
Cụ thể, vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng, vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng, vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.
Chị Lê Thị Hương làm việc trong một doanh nghiệp kiểm toán độc lập tại Hà Nội cho biết, theo lộ trình, từ 1/7 lương tối thiểu vùng ở Hà Nội (vùng I) là 4,96 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, mức lương của chị hiện nay đã là 8 triệu đồng/tháng.
Chị Hương cũng cho biết, đây cũng là mức lương doanh nghiệp làm căn cứ đóng BHXH hàng tháng. Do vậy, theo chị Hương, từ 1/7 tới khi tăng lương tối thiểu vùng, cơ bản lương của chị không có gì thay đổi.
Theo chị Hương, mức lương tối thiểu vùng chỉ là mức lương thấp nhất để doanh nghiệp phải trả cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay đa số các doanh nghiệp đều trả trên mức này, chỉ có một số ít trả mức thấp hơn thì phải điều chỉnh tăng và đảm bảo đóng BHXH cho người lao động.
"Về bản chất khi tăng lương tối thiểu vùng đa số mức lương người lao động không thay đổi. Do vậy, nếu Nhà nước không kiểm soát được giá cả leo thang sẽ có tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động", chị Hương nói.
Theo một chuyên gia về lĩnh vực lao động, tiền lương, dù lương tối thiểu vùng tăng nhưng nếu người lao động có mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng quy định thì lương vẫn giữ nguyên. Mức lương này chỉ quy định đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, do vậy số người được hưởng lợi khi tăng lương tối thiểu vùng rất ít.
Hiện nay lao động qua đào tạo khi ký hợp đồng lao động thì lương ít nhất cũng được 6 -7 triệu đồng/tháng. Mức lương này vốn đã cao hơn lương tối thiểu vùng nên chủ sử dụng lao động có quyền không thay đổi lương.
Vị chuyên gia này cho biết, việc quy định mức lương tối thiểu vùng chủ yếu chỉ để áp dụng cho công nhân. Vì thế, chủ sử dụng lao động thường lựa chọn hợp đồng có mức lương thấp nhất bằng lương tối thiểu vùng, sau đó trả thêm các loại phụ cấp để công nhân hưởng khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, nhưng khoản tiền lương làm căn cứ đóng BHXH lại rút xuống tương tự mức lương tối thiểu vùng.
Bộ LĐ-TB&XH nhận định, nếu điều chỉnh theo phương án tăng 6%, mức lương tối thiểu vùng theo tháng sẽ cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu tính đến hết năm 2024. Từ đó cải thiện thêm tiền lương cho người lao động; cơ bản bảo đảm đủ mức sống tối thiểu năm 2025.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng dự kiến. Vì thế, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng mới, chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, với nhóm người lao động đang hưởng lương thấp, phải điều chỉnh lại để bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu mới.
Về mức lương tối thiểu giờ, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh tương ứng với lương tối thiểu tháng. Trong đó, vùng I tăng lên 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Mức lương tối thiểu giờ chỉ là mức sàn thấp nhất để hai bên thỏa thuận, trả lương cho 1 giờ lao động. Hiện tại, mức lương tối thiểu giờ nêu trên chỉ tương đương với các mức lương thấp nhất đang được trả cho các công việc không trọn thời gian, như phục vụ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê…Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, khi áp dụng mức lương tối thiểu giờ nêu trên, cơ bản sẽ không làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, bởi đa phần đã trả bằng hoặc cao hơn mức này. Do đó, không làm ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người lao động.