Chiều 19/5, đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có cuộc làm việc với UBND tỉnh về công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2022.
Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt
Thời gian qua, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành, thị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác cải cách hành chính.
Từ năm 2020 - 2022, các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính, PAR INDEX, SIPAS, PCI đều tăng thứ hạng, như: Xếp hạng cải cách hành chính tỉnh Nghệ An đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố (tăng 1 bậc so với năm 2021); đặc biệt, chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố (năm 2022 tăng 21 bậc so với năm 2021),...
Bên cạnh kết quả đạt được, đoàn giám sát nêu rõ: Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn chậm thời gian, nhưng chưa được khắc phục, nhất là các thủ tục thu hút đầu tư vẫn còn có sự chậm trễ ở một số sở, ngành. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện liên thông thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực chưa đảm bảo yêu cầu.
Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến còn thấp so với yêu cầu đề ra; số lượng hồ sơ tiếp nhận còn thấp; thiếu đồng bộ hệ thống mạng, phần mềm,...
Thực tế vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết công việc đối với doanh nghiệp và người dân ở một số lĩnh vực. Cá biệt, có một số trường hợp bị kỷ luật, khởi tố, tạm giam, xét xử. Kết quả thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của các sở, ngành, UBND cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu,…
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, bộ, ban, ngành Trung ương cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, có tính ổn định lâu dài, hạn chế sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện ở địa phương, đặc biệt là các văn bản có quy định về thủ tục hành chính.
Cùng với đó, phải hoàn thành việc xây dựng, kết nối các hệ thống và có hướng dẫn cụ thể việc kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số giữa Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành do bộ, ngành, địa phương quản lý và hệ thống công nghệ thông tin của các tổ chức khác; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu số của từng đơn vị, cá nhân.
Đề nghị các bộ, ngành tích hợp đồng bộ, thống nhất, đầy đủ các tính năng giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của bộ, ngành.
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác cải cách hành chính; tiếp tục đề cao vai trò của người đứng đầu trong việc chỉ đạo cải cách hành chính tại mỗi cơ quan, đơn vị.
Thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính để kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Tăng cường kiểm tra nội bộ
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Công tác cải cách hành chính được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua các văn bản chỉ đạo, các nghị quyết. Qua đó, tạo bước tiến quan trọng trong công tác cải cách hành chính, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương.
Thống nhất với nhận định, đánh giá của đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phân tích, làm rõ thêm những tồn tại, hạn chế; đánh giá phần trách nhiệm của UBND và các sở, ngành. Chỉ đạo các sở, ngành phân loại để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương nỗ lực thực hiện trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác cải cách hành chính của tỉnh thời gian qua.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, vấn đề đặt ra là sự thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy một số đơn vị, địa phương. Quy trình, quá trình xử lý văn bản còn tình trạng đùn đẩy, xin ý kiến qua lại giữa các sở, ngành, địa phương, thậm chí, nhiều văn bản không liên quan đến đơn vị cũng xin ý kiến làm mất thời gian, dẫn đến sự chậm trễ, gây khó khăn cho doanh nghiệp và các đơn vị liên quan.
Đồng chí cho rằng, vẫn có tình trạng các sở, ngành, địa phương chưa tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ để chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với các công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, làm sai quy định, lợi dụng vị trí việc làm được phân công để thực hiện mục đích cá nhân. Các Chương trình, Kế hoạch liên quan đến cải cách hành chính có ban hành nhưng thiếu kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện…
“Không ai hiểu chức năng, nhiệm vụ của ngành mình, địa phương mình, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ công chức trong đơn vị mình hơn lãnh đạo đơn vị, địa phương đó. Vì vậy, người đứng đầu các đơn vị, địa phương cần tăng cường tự kiểm tra để chấn chỉnh những tồn tại, bất cập của cơ quan, đơn vị mình" - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nói.
Chia sẻ khó khăn, vướng mắc vì những nguyên nhân khách quan, về sự chồng chéo của văn bản quy phạm pháp luật, năng lực của người dân về công nghệ thông tin, chất lượng hệ thống phần mềm chưa đồng bộ, tương thích..., Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác cải cách hành chính.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi cho biết, sau kết quả chương trình giám sát, đoàn giám sát sẽ tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành nghị quyết nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.
Thanh Lê