Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Cường |
Thảo luận tại Tổ có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Kim Chi - Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Phan Đức Đồng - Bí thư Thành ủy Vinh. Đồng chí Nguyễn Thị Thơm - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên làm Tổ trưởng tổ thảo luận.
LÀM RÕ NGUYÊN NHÂN GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CHẬM
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh trong năm 2022, đồng thời nêu lên những băn khoăn, đề nghị liên quan đến nhiều nội dung.
Đại biểu Nguyễn Duy Cần, đơn vị bầu cử TP. Vinh, nêu vấn đề tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt thấp; đến nay, mới chỉ đạt trên 50%. Vị đại biểu TP. Vinh cho rằng trong nhiều nguyên nhân thì có nguyên nhân là cán bộ thẩm định, thẩm tra dự án thận trọng quá mức. Ông đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình làm rõ thêm nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Duy Cần, đơn vị bầu cử TP. Vinh phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Cường |
Đại biểu Nguyễn Duy Cần cũng đề nghị cần quyết liệt hơn nữa trong công tác cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là nhà đầu tư có tiềm lực, nhà đầu tư mới, doanh nghiệp mới.
Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Nguyễn Hữu An kiến nghị, UBND tỉnh và sở, ban ngành xem xét tham mưu cấp có thẩm quyền cho phép ủy quyền cho cấp huyện thẩm định giá, đặc biệt là giá đền bù giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại phiên thảo luận Tổ 1. Ảnh: Thành Cường. |
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh phân tích bối cảnh khó khăn hiện nay của doanh nghiệp dẫn đến nguy cơ mất việc làm hiện hữu đối với lao động Nghệ An đi làm ăn xa, lẫn lao động nội tỉnh. Mong muốn thời gian tới, các cấp chính quyền phối hợp với các địa phương, đoàn thể, các doanh nghiệp tạo điều kiện để giải quyết và ổn định việc làm cho người lao động, đây cũng là mong mỏi chính đáng của cử tri.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Cường |
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi cũng đề nghị tiến hành rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX sau nửa nhiệm kỳ, qua đó thông tin rõ cho cử tri, đồng thời đánh giá, gắn trách nhiệm để có giải pháp cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ; tiếp tục quan tâm rà soát, thu hồi dự án chậm tiến độ trên địa bàn thị xã Cửa Lò.
Còn đại biểu Phạm Tuấn Vinh - Bí thư Thị ủy Thái Hòa cho biết, hiện nay có thực tế là các huyện, thành, thị cơ bản là còn rất nhiều lúng túng trong chuyển đổi số, do đó mong muốn các sở, ngành liên quan có sự hướng dẫn cho cơ sở; đồng thời vị đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm giải quyết tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc; khó khăn trong đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế cho các bệnh viện.
Đại biểu Phạm Tuấn Vinh - Bí thư Thị ủy Thái Hòa phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Cường |
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn đề nghị cần quan tâm kích cầu cho nông nghiệp, có chính sách mạnh hơn trong hỗ trợ nâng cao chất lượng, đầu ra cho sản phẩm OCOP.
Tại phiên thảo luận, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh cũng đã giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức cho biết: Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, ngoài các nguyên nhân khách quan như số dự án nhiều (chiếm hơn 50%) trong khi đây là năm đầu triển khai phân bổ các nguồn vốn nên còn nhiều thủ tục thì còn có các nguyên nhân chủ quan, trong đó có công tác thẩm tra của các đơn vị thận trọng hơn.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức giải trình làm rõ một số nội dung về giải ngân vốn đầu công. Ảnh: Thành Cường |
GIẢI QUYẾT KỊP THỜI CÁC VẤN ĐỀ PHÁT SINH
Phát biểu tại thảo luận Tổ 1, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã làm rõ thêm những kết quả nổi bật tỉnh đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh. Trên cơ sở đó chỉ ra những kinh nghiệm đúc kết là: Sự đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm từ Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đến các ngành, các địa phương.
Cùng với đó là sự phối hợp nhịp nhàng để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tế vì công việc chung của tỉnh; tiếp tục thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn lực đầu tư bố trí tập trung các dự án trọng điểm của tỉnh để tạo động lực cho sự phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 1. Ảnh: Thành Cường |
Về tồn tại, hạn chế, đặc biệt là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 còn thấp, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận: Quá trình giải quyết các thủ tục, kể cả của các chủ đầu tư, bao gồm các ngành, các địa phương và các cơ quan có liên quan chưa có sự phối hợp để xử lý thủ tục nhanh; đồng thời ở một số địa phương, các đồng chí trong cấp ủy cũng chưa tham gia lãnh đạo, chỉ đạo sát sao.
Điều này cũng liên quan đến câu chuyện cải cách hành chính. Dù có chuyển biến, có tích cực hơn nhưng nhiều thủ tục hành chính giữa các ngành, các địa phương đối với doanh nghiệp và người dân, theo Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá là còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều vấn đề liên quan đến sai phạm của cán bộ bị xử lý, thậm chí là xử lý pháp luật dẫn đến tâm lý sợ, ngại, thận trọng.
Phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân trên, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan, người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An nói rằng, đây là câu chuyện thực tế phải nhìn nhận thẳng thắn, để mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương thấy trách nhiệm của mình và phải quyết liệt hơn trong công tác tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trên quan điểm là cùng chia sẻ, cùng gánh vác công việc chung của tỉnh.
Đó cũng thông điệp, phương châm mà Chủ tịch UBND tỉnh muốn chuyển tải đến các vị đại biểu, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện các mục tiêu của ngành, địa phương mình, nhất là bối cảnh dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; từ đó góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
“Chúng ta phải nhìn nhận là bản thân chúng ta không nỗ lực thì sẽ không có kết quả. Nỗ lực này là phải hợp lực với nhau, đừng có đứng nhìn ngành này, ngành kia, địa phương này, địa phương kia”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trăn trở bày tỏ.
Trên cơ sở đó, đề cập đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đồng chí Nguyễn Đức Trung cho biết, UBND đã cân nhắc rất kỹ trong bối cảnh có nhiều khó khăn; qua đó tin tưởng rằng, với cơ sở đã vượt qua được khó khăn, thực hiện được cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022, tỉnh ta đầy đủ khả năng thực hiện mục tiêu năm 2023 như: Tăng trưởng GRDP đạt 9 - 10%, thu ngân sách 15.857 tỷ đồng;…
Cũng tại phiên thảo luận, người đứng đầu UBND tỉnh đã trao đổi thêm một số nội dung khác, đặc biệt là việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo đồng chí cần phải tập trung thực hiện theo nguyên tắc là tìm cách để tháo gỡ, chứ không giải thích, giải trình, chỉ ra cái sai nhưng không giải quyết được; đồng thời UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, công tác chuyển đổi số;…