Đồng thời cho rằng, cần tập trung vào những vấn đề cốt lõi, cấp bách nhất, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp. Đặc biệt, cùng với tăng cường phân cấp, giao quyền, phải quy định rất cụ thể trách nhiệm đối với các chủ thể để bảo đảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh NGÔ HOÀNG NGÂN:
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình thủ tục

Để đầu tư và hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung một số điều, một số Luật trên hết sức cần thiết nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách và quy trình thủ tục đáp ứng cho sự phát triển. Chính phủ đã chuẩn bị nghiên cứu rất công phu, cụ thể, xin ý kiến qua nhiều lần các ngành, địa phương, trên cơ sở đánh giá tổng kết việc thực hiện các luật, đã đưa ra được dự thảo Luật đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, cùng với tăng cường phân cấp, giao quyền cho người đứng đầu các bộ, ngành và HĐND cấp tỉnh, cần quy định rất cụ thể trách nhiệm đối với các chủ thể này để bảo đảm tính hiệu quả, sử dụng các nguồn lực, tính tuân thủ công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.

%C4%90BQH%20Ng%C3%B4%20Ho%C3%A0ng%20Ng%C3%A2n.jpg

Đối với Luật Đầu tư công, tôi đồng tình cao với nội dung Chính phủ trình và dự thảo sửa đổi luật về việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các Chương trình, dự án nhóm B và C sử dụng vốn ODA cho các địa phương, giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, vừa giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, khắc phục được tình trạng chậm giải ngân thời gian qua. Về luật Đầu tư, liên quan đến thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, quy mô dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt: Tôi nhất trí với nội dung trình của Chính phủ, vì quy định này sẽ giúp tăng cường tính chủ động cho các địa phương, rút ngắn các thủ tục hành chính và thời gian thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; tạo đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đầu tư với một số quy định pháp luật hiện hành liên quan.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa MAI VĂN HẢI:
Cần cơ chế giám sát việc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư

Tôi thống nhất cao với nội dung Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra và dự thảo Nghị quyết, đặc biệt là nội dung sửa đổi các Luật lần này mang tính đột phá, bảo đảm tính kịp thời, tạo ra cơ hội mở, giải quyết các điểm “nghẽn”, chồng chéo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Ph%C3%B3%20Tr%C6%B0%E1%BB%9Fng%20%C4%90o%C3%A0n%20%C4%90BQH%20t%E1%BB%89nh%20Thanh%20H%C3%B3a%20Mai%20V%C4%83n%20H%E1%BA%A3i%20ph%C3%A1t%20bi%E1%BB%83u%20th%E1%BA%A3o%20lu%E1%BA%ADn%20t%E1%BA%A1i%20T%E1%BB%95.jpg

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, việc phân quyền cho người đứng đầu cơ quan Trung ương, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyết định chủ trương đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn ODA viện trợ không hoàn lại, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất cần thiết, tạo động lực, mở ra giải pháp để các địa phương chủ động tháo gỡ ướng mắc, khó khăn, tổ chức hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần có cơ chế giám sát chặt đối với việc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư vì đây là những dự án vô cùng quan trọng liên quan đến vốn vay nước ngoài, đến các nhà tài trợ của nước ngoài. Nghiên cứu, xem xét phân quyền cho HĐND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương quyết định chủ trương đầu tư, triển khai những dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn ODA nằm trên địa bàn tỉnh.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An THÁI THỊ AN CHUNG:
Hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục để HĐND triển khai hiệu quả

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự thể hiện sự chủ động, năng động của Quốc hội, bảo đảm tính kịp thời và tinh thần đồng hành với Chính phủ nhằm tháo gỡ những điểm “nghẽn”, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, thuận lợi hơn cho các địa phương trong điều hành, đặc biệt là đối với các cơ quan chuyên môn.

Th%C3%A1i%20Th%E1%BB%8B%20An%20Chung.jpg

Tôi hoàn toàn thống nhất với chủ trương ủy quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định một số nội dung sau khi sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Đầu tư. Tuy nhiên, Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục để HĐND cấp tỉnh triển khai hiệu quả. Đối với Luật Điện lực, mới chỉ sửa đổi quy định chung, trong khi các điều khoản trong luật lại chưa được sửa đổi dẫn đến “khập khiễng”, nhất là liên quan đến quyền đấu nối vào hệ thống lưới điện truyền tải. Nếu đặt ra vấn đề nguyên tắc trong quyền đấu nối thì một số điều trong quy định của Luật Điện lực phải được sửa đổi tương thích để ràng buộc trách nhiệm, nhằm cân đối quyền và lợi ích giữa các bên, cũng như bảo đảm an toàn lưới điện quốc gia.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long NGUYỄN THỊ MINH TRANG:
Tập trung những vấn đề cốt lõi, cấp bách nhất, tác dụng lâu dài

Như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp, các dự án Luật nêu trên là các dự án Luật có tính chất đặc biệt. Tôi mong rằng, các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung lần này, kể cả các điều khoản chuyển tiếp phải là những vấn đề cốt lõi, cấp bách nhất, có tác dụng lâu dài, rộng khắp, đạt được mục tiêu cải cách thể chế mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp và sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

%C4%90BQH%20Nguy%E1%BB%85n%20Th%E1%BB%8B%20Minh%20Trang.jpg

Đối với dự án Luật Điện lực, việc sửa đổi quy định theo hướng "Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ", sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào đầu tư mạng lưới truyền tải, tháo gỡ điểm “nghẽn” giữa năng suất nguồn điện và mạng lưới hiện nay. Tuy vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu phân định rõ phạm vi giữa Nhà nước và tư nhân; về quyền, nghĩa vụ của các đơn vị truyền tải điện tư nhân; về kiểm soát đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải. Đặc biệt, cần xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng về chính sách giá điện và các loại phí liên quan đến truyền tải điện…

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, theo tôi, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện là kịp thời, phù hợp. Qua đó, khuyến khích đầu tư sản xuất, nắm bắt cơ hội phát triển dòng xe này, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường cũng như định hướng sản xuất, tiêu dùng theo hướng phát triển công nghiệp sạch. Nếu có thể, nên cân nhắc thêm những chính sách ưu đãi lớn hơn, dài hơi hơn để phát triển, tăng vị thế cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam…

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn HỒ THỊ KIM NGÂN:
Giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư

Tôi nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và nội dung báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Tuy nhiên, đề nghị cần xem xét đánh giá cụ thể đối với những nội dung chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó, một số luật được sửa đổi, bổ sung lần này đã có trong kế hoạch rà soát để sửa đổi, bổ sung theo định hướng Chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong năm 2022 như: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Điện lực, Luật Đấu thầu… Do đó, đề nghị cần xem xét cụ thể đối với từng nội dung thực sự cấp thiết, cần sửa đổi ngay để tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, bảo đảm đồng bộ của hệ thống pháp luật.

20220107053611kim-ngan.jpg

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án trong Luật Đầu tư công năm 2019: Luật đã đẩy mạnh phân cấp, tăng thẩm quyền cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư đối với một số nhóm dự án (quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 17), nhằm tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và giảm thiểu các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, dự án nhóm C, một số dự án có tính cấp thiết (như công trình phòng, chống lụt bão; công trình bảo đảm an toàn giao thông...) phải trình kỳ họp HĐND quyết định là chưa phù hợp, không bảo đảm tính kịp thời. Do đó, đề nghị bổ sung quy định: Giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm C, các công trình có tính cấp thiết và báo cáo tại kỳ họp HĐND gần nhất.

M.TUÂN - T.PHƯƠNG - D.ANH - T.NGUYÊN - T.AN ghi