P.V: Thưa đồng chí, kỳ họp lần thứ 11 là kỳ họp cuối năm 2022, HĐND tỉnh sẽ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, thảo luận, thống nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác. Với khối lượng công việc lớn và tính chất quan trọng như vậy, đề nghị đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết chương trình nghị sự trọng tâm và công tác chuẩn bị cho kỳ họp này?
Đồng chí Nguyễn Nam Đình: Từ đầu năm 2022 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 6 kỳ họp, bao gồm 1 kỳ họp thường lệ giữa năm và 5 kỳ họp chuyên đề; thảo luận, thông qua 84 nghị quyết và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng
Để chuẩn bị cho kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nội dung, chương trình kỳ họp. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét 34 báo cáo và thảo luận, thông qua 19 nghị quyết về những nội dung quan trọng sau đây:
Thứ nhất, xem xét, thảo luận các báo cáo, thảo luận, thông qua các nghị quyết về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách và đầu tư công năm 2022; mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, phương án phân bổ ngân sách, dự kiến kế hoạch đầu tư công và kế hoạch nguồn vốn Trung ương thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia năm 2023.
Thứ hai, xem xét các báo cáo về kết quả chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và một số báo cáo khác trình kỳ họp; thảo luận 2 báo cáo và thông qua 2 nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh đối với công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An và việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2021.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát trực tiếp một số dự án chậm tiến độ. Ảnh tư liệu: Mai Hoa
Thứ ba, thảo luận, thông qua các nghị quyết về một số chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
P.V: Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Xin đồng chí cho biết quan điểm, mục tiêu của HĐND tỉnh đối với các nội dung chất vấn tại kỳ họp này?
Đồng chí Nguyễn Nam Đình: Trong quá trình chuẩn bị nội dung chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh nhận được nhiều ý kiến đề xuất của các đại biểu, tổ đại biểu về các nhóm vấn đề mà cử tri, dư luận và Nhân dân quan tâm. Căn cứ tình hình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất lựa chọn 2 nhóm vấn đề để chất vấn đối với các thành viên UBND tỉnh trình kỳ họp. Cụ thể:
- Nhóm vấn đề thứ nhất: Công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai, đặc biệt là ảnh hưởng của lũ, lụt; công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ.
- Nhóm vấn đề thứ hai: Việc bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác phòng, chống thiên tai, vận hành thủy điện và các dự án đầu tư, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ là 2 nhóm vấn đề được chất vấn tại kỳ họp lần thứ 11, HĐND tỉnh. Ảnh: Tư liệu
Chất vấn và trả lời chất vấn sẽ làm rõ những kết quả đạt được trong thời gian qua; chỉ ra những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách; phân tích nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, vướng mắc; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan; đề ra các giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế, vướng mắc; ưu tiên nguồn lực để phòng ngừa, hạn chế tối đa hậu quả do thiên tai, mưa, lũ gây ra và ảnh hưởng tiêu cực của việc vận hành các hồ chứa trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia nói chung và Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 nói riêng.
P.V: Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Thường trực HĐND tỉnh sẽ mời đại diện Thường trực và các Ban của HĐND cấp huyện dự khán phiên thảo luận tại hội trường, phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh có nhắn gửi gì đến các vị đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu khách mời?
Đồng chí Nguyễn Nam Đình: Tại các kỳ họp thường lệ trước đây, Thường trực HĐND tỉnh đã mời đại diện Thường trực HĐND cấp huyện tham dự. Theo đề xuất của Thường trực HĐND cấp huyện tại các hội nghị giao ban cụm, được tổ chức vào tháng 7 năm 2022 và để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, tại kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh sẽ mời thêm lãnh đạo các Ban của HĐND cấp huyện cùng dự khán phiên thảo luận tại hội trường, phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức và truyền hình, phát thanh các kỳ họp, việc mở rộng số lượng, phạm vi khách mời của kỳ họp sẽ tăng cường sự kết nối, trao đổi kinh nghiệm giữa Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh với Thường trực, các Ban của HĐND cấp huyện; chuyển tải nhiều hơn, kịp thời hơn, chính xác hơn thông tin về hoạt động của HĐND các cấp nói chung và của kỳ họp nói riêng đến với cử tri và Nhân dân.
Toàn cảnh trung tâm thành phố Vinh. Ảnh: Sách Nguyễn
Thường trực HĐND tỉnh mong muốn các vị đại biểu HĐND tỉnh và khách mời của kỳ họp nghiên cứu các nội dung trình kỳ họp, tập trung thảo luận, phân tích những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022; dự báo tình hình thuận lợi, khó khăn để đề ra các mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!