Từ những Hội nghị Thường trực HĐND tự phát theo khu vực
Sự quan tâm của Quốc hội đối với HĐND, trước hết phải nói đến quá trình xây dựng pháp luật liên quan. Qua những lần sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức HĐND và UBND trước đây, nhất là sau này Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND... Cứ mỗi lần sửa đổi luật pháp là một lần tổ chức bộ máy của HĐND được tăng cường mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được bổ sung và ngày càng hoàn chỉnh. Qua đó, đã thấy rõ Quốc hội luôn quan tâm và mong muốn hoạt động của HĐND ngày càng tốt hơn; HĐND có trách nhiệm nâng cao vai trò, vị thế hệ thống các cơ quan dân cử.
Để thực hiện những quy định của pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn mời Thường trực HĐND tham gia nhiều hội nghị, hội thảo để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực hoạt động của HĐND. Ban Công tác đại biểu thường xuyên tổ chức những lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND; tập trung nhiều ở nhóm Thường trực, các Ban HĐND, nhất là đại biểu chuyên trách. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm ban hành nhiều nghị quyết quy định, hướng dẫn hoạt động của HĐND, nhất là những nội dung của pháp luật mới được ban hành và sửa đổi, tạo điều kiện để HĐND hoạt động bài bản hơn.
Với trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, Thường trực HĐND tích cực thực hiện những hướng dẫn, học hỏi kinh nghiệm các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời, mong muốn học tập, trao đổi hoạt động thực tế của HĐND với nhau nên từ rất lâu đã gặp gỡ, thảo luận, thống nhất các địa phương tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND ở khu vực. Tuy là những Hội nghị tự phát, nhưng nội dung, thành phần đều được thống nhất giữa các địa phương và đã báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực cấp ủy cùng cấp, đồng thời mời đại biểu về dự... Hội nghị Thường trực HĐND khu vực mới ban đầu có lúc đã có đại diện cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự; Báo Đại biểu Nhân dân thường xuyên theo sát, tuyên truyền sâu rộng nội dung hội nghị.
Đến Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động HĐND
Kể từ khi Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thành lập, Ban đã tích cực hướng dẫn, giúp đỡ chu đáo nên Hội nghị HĐND các khu vực dần đi vào nền nếp và thực chất hơn. Theo đó, chương trình, nội dung hội nghị chuẩn bị công phu; những tham luận của các địa phương mang đặc điểm thực tế sinh động, nhưng đều xoay quanh chủ đề đã thống nhất. Hội nghị HĐND các khu vực dần bắt đầu có sự tham gia đều đặn đại diện các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo nên mối quan hệ gần gũi của Quốc hội với cơ quan dân cử các địa phương; đồng thời, nội dung Hội nghị khu vực ngày càng khoa học, thiết thực, giúp cho các địa phương nâng cao năng lực hoạt động của HĐND.
Từ những kết quả bước đầu và yêu cầu đổi mới phát triển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND các địa phương chuẩn bị chương trình, nội dung và tổ chức các Hội nghị HĐND khu vực. Đây là đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng Hội nghị HĐND các vùng miền; nội dung báo cáo tại hội nghị do Ban Công tác đại biểu chuẩn bị, có sự tham gia của Thường trực HĐND các địa phương. Tham dự hội nghị thường xuyên có người đứng đầu cấp ủy đơn vị đăng cai và sự chỉ đạo, chủ trì của lãnh đạo Quốc hội. Đặc biệt, đã có những Hội nghị HĐND khu vực có sự tham dự và Chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội. Chất lượng nội dung, thành phần tham gia tạo nên thành công tốt đẹp của các Hội nghị HĐND khu vực, thể hiện mối quan hệ ngày càng gắn kết của hệ thống các cơ quan dân cử.
Đặc biệt, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác HĐND toàn quốc trong năm và triển khai công tác năm sau (các ngày 21.2, 7.3 và 21.3 vừa qua). Qua đó, tăng cường mối quan hệ mật thiết hơn nữa giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các địa phương; nhằm phát huy hiệu quả nhất vai trò, vị trí cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan quyền lực nhà nước các địa phương. Quy mô tổ chức, thành phần tham dự, nội dung Hội nghị HĐND đã làm nức lòng những người công tác trong cơ quan dân cử địa phương; nhất là những đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Nội dung hội nghị đã cung cấp cho HĐND nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý giá trong hoạt động của HĐND các cấp. Các bài phát biểu của lãnh đạo Quốc hội tạo niềm tự hào, phấn khởi khi được hoạt động ở cơ quan quyền lực nhà nước địa phương; đồng thời, thấy rõ trách nhiệm của đại biểu dân cử phải phấn đấu, rèn luyện hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn được cử tri và Nhân dân tín nhiệm trao gửi.
Việc tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động HĐND toàn quốc thể hiện trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND; đồng thời đưa mối quan hệ các cơ quan dân cử lên tầm cao mới. Qua đó, đòi hỏi hoạt động của HĐND các cấp cần đổi mới, năng động, sáng tạo hơn nữa nhằm đáp lại sự quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ của các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, không phụ mong đợi của cử tri và Nhân dân.