Chiều 26/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An chủ trì thảo luận tại Tổ 11 gồm các đại biểu của các tỉnh: Bắc Giang, Khánh Hòa và Nghệ An.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An chủ trì thảo luận tại Tổ 11. Ảnh: Phan Hậu |
Liên quan đến dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), về mô hình tổ chức thanh tra cấp huyện, quá trình thảo luận còn có 2 ý kiến. Ý kiến thứ nhất tán thành việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra huyện và ý kiến thứ hai là không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.
Phát biểu tại thảo luận tổ chiều cùng ngày, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An nêu ý kiến, “nơi nào có quản lý, nơi đó phải có thanh tra”; qua đó đồng tình vẫn giữ nguyên thanh tra cấp huyện như cũ, song cần tăng cường năng lực đội ngũ thanh tra ở cấp này.
Trước đó, trong phiên làm việc sáng 26/5, khi trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất là tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra cấp huyện.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu |
Cũng liên quan đến dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đối với nội dung liên quan, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra Nhà nước, đại biểu Võ Thị Minh Sinh bày tỏ băn khoăn sự phù hợp của việc cho phép thành lập tổ chức thanh tra trong tổng cục, cục của các bộ, ngành. Liệu nội dung này đã phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tinh giản đầu mối như Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng chỉ rõ: không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước. Đại biểu cũng cho biết, trong dự án luật cũng chưa thấy lấy ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, trong khi đây là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế;…
Theo nữ đại biểu Đoàn Nghệ An, nếu cho phép thành lập tổ chức thanh tra trong tổng cục, cục của các bộ, ngành thì sẽ tăng đầu mối hành chính, biên chế. Liên quan nội dung này, trường hợp tăng phải bắt đầu từ việc tăng chức năng, nhiệm vụ, lúc đó mới tăng về bộ máy, vị trí việc làm. Tuy nhiên, trong nội dung trình chưa thấy được Đề án kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan thanh tra thông qua vị trí việc làm. Trong giải trình của Thanh tra Chính phủ cho biết vì đã có báo cáo 10 năm thực hiện Luật Thanh tra nên không thực hiện Đề án trên, tuy nhiên theo đại biểu, cơ cấu Đề án này hoàn toàn khác thực hiện Luật Thanh tra năm 2010.
Trên cơ sở phân tích đó, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cân nhắc, xem xét lại thật kỹ quy định này để phù hợp với nội dung của dự án luật và chủ trương của Đảng về thống nhất, quản lý biên chế.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cũng bày tỏ băn khoăn khi Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) không có nội dung xây dựng chiến lược của ngành Thanh tra; trong khi hầu như các bộ, ngành đều có xây dựng chiến lược ngành của mình nên đề nghị giải trình tiếp làm rõ…
Thành Duy - Phan Hậu