Việc xem xét, thông qua "một luật sửa nhiều luật" lần này nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật để khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.

Một trong các nội dung của dự thảo Luật này sẽ sửa đổi khoản 2, Điều 4 Luật Điện lực nhằm tạo cơ chế thu hút nguồn vốn, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia. Nhất trí về sự cần thiết sửa đổi nội dung liên quan đến truyền tải điện của Luật Điện lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, nội dung sửa đổi cần phân định rõ phạm vi giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong hoạt động đầu tư, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải quốc gia.

Mở cửa cho tư nhân đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia

Khoản 2, Điều 4 Luật Điện lực hiện hành quy định, Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện và đơn vị truyền tải điện có nghĩa vụ xây dựng kế hoạch đầu tư và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện truyền tải đáp ứng nhu cầu theo quy hoạch phát triển điện lực. Theo đó, đơn vị truyền tải điện duy nhất được cấp phép hoạt động hiện nay là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT). Trong giai đoạn vừa qua, công tác đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Lưới điện truyền tải cơ bản bảo đảm vai trò xương sống của hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, do lượng vốn đầu tư ngành điện cần thu xếp thực hiện đầu tư lưới điện truyền tải lớn (giai đoạn 2011 - 2020, EVNNPT phải thu xếp vốn khoảng hơn 95.000 tỷ đồng từ nguồn vay nước ngoài và vay thương mại trong nước) và một số nguyên nhân khách quan (công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng, thủ tục đầu tư…) dẫn tới hệ thống lưới điện truyền tải không xây dựng kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra về cả quy mô và tiến độ để phục vụ truyền tải, giải tỏa công suất nguồn điện.

Các quy định của Luật Điện lực hiện hành chưa thể hiện rõ phạm vi Nhà nước độc quyền truyền tải điện ở mức độ nào để bảo đảm thực hiện xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong khi đó, theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhu cầu đầu tư vào hệ thống lưới điện rất lớn. Do đó, cần thiết có cơ chế khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống lưới điện truyền tải.

03...VLH_5282%20copy.jpg Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Ảnh: Lâm Hiển

Tờ trình của Chính phủ cũng nhấn mạnh, một trong các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 55-NQ/TW là: “Nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; vận hành hệ thống điện quốc gia độc lập dưới dự kiểm soát của Nhà nước” và “cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện. Thực hiện xã hội hóa tối đa đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Vì vậy, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 4 Luật Điện lực liên quan tới truyền tải điện nhằm đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan và yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, khắc phục bất cập của cơ chế, chính sách trong đầu tư phát triển điện lực.

Giải trình thêm về tính cấp thiết, cấp bách của sửa đổi khoản 2, Điều 4 Luật Điện lực tại Phiên họp thứ Sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước vào các dự án nguồn điện chỉ chiếm 49%, trong khi đầu tư của khu vực tư nhân chiếm 51% tổng số các dự án. Đối với hệ thống truyền tải điện, do Luật Điện lực quy định Nhà nước độc quyền truyền tải điện nên ngay cả khi khu vực tư nhân sẵn sàng đầu tư vào hệ thống truyền tải điện thì việc triển khai thực hiện các dự án này rất khó khăn.

Trong khi đó, nếu không mở cửa cho khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực truyền tải điện thì áp lực giải tỏa công suất điện năng hiện có đối với các công trình nguồn điện đang vận hành là vấn đề lớn thực tiễn đang đặt ra. “Hiện nay, việc giải tỏa công suất các nguồn điện ở khu vực miền Trung, Nam Trung Bộ và kể cả Đông Nam Bộ đang hết sức khó khăn do nguồn điện rất lớn nhưng phụ tải lại rất thấp. Có những nơi phụ tải chỉ chiếm 4 - 5% công suất về nguồn, trong khi hệ thống truyền tải của chúng ta đầu tư rất nhỏ giọt”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu thực tế.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công thương, với dự báo kinh tế nước ta tăng trưởng từ 6,5 - 7%/năm, tốc độ tăng trưởng điện năng phải đạt từ 8 - 10%; chưa tính đến làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI vào Việt Nam khiến nhu cầu về điện còn lớn hơn rất nhiều. Thực tế này cho thấy, khả năng thiếu điện trong vài năm tới rất rõ ràng. Nếu không khẩn trương xây dựng hệ thống truyền tải điện sẽ không giải tỏa được công suất của các dự án hiện có; mặt khác, sẽ không thể khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư về nguồn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện năng của đất nước trong tương lai. Hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực điện chiếm tới già nửa số dự án điện của tư nhân, vì vậy, không có lý do gì các doanh nghiệp này không đầu tư vào hệ thống truyền tải điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Nhất trí với sự cần thiết, cấp bách của sửa đổi khoản 2, Điều 4 Luật Điện lực, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc thu hút chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải sẽ góp phần thực hiện đồng bộ, hiệu quả quy hoạch phát triển điện, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm áp lực về ngân sách đầu tư lưới điện.

Nhà nước độc quyền trong điều độ hệ thống điện quốc gia

Thực tế cho thấy, lưới điện truyền tải trục chính, liên vùng… mang tính xương sống và huyết mạch, có vai trò quan trọng đối với an toàn hệ thống điện quốc gia, an ninh năng lượng và an ninh - quốc phòng. Vì vậy, Nhà nước cần độc quyền trong hoạt động quản lý, vận hành hệ thống lưới truyền tải này. Nhấn mạnh điểm căn cốt này, đại diện Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, đối với lưới truyền tải điện phục vụ mục tiêu đấu nối một hoặc một cụm các nhà máy điện với lưới điện truyền tải trục chính, liên vùng… nếu chỉ mang tính cục bộ trong phạm vi dự án nguồn điện, không ảnh hưởng tới an toàn hệ thống điện quốc gia, bảo đảm quốc phòng - an ninh thì nên xem xét cho phép các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác ngoài thành phần kinh tế nhà nước, đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện hoạt động, có thể tổ chức quản lý, vận hành lưới điện truyền tải đáp ứng mục tiêu đấu nối cục bộ. Trong trường hợp lưới điện truyền tải phục vụ mục tiêu đấu nối cục bộ nhưng có ảnh hưởng tới an toàn hệ thống điện quốc gia, quốc phòng - an ninh thì phải do Nhà nước quản lý, vận hành.

Trước đây, Nhà nước độc quyền hoàn toàn đối với truyền tải điện, từ việc xây dựng, vận hành đến quản lý hệ thống lưới điện truyền tải. Bây giờ, với chủ trương khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hệ thống truyền tải điện thì dự thảo Luật cần phân định rõ phạm vi giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong hoạt động quản lý, vận hành lưới điện truyền tải quốc gia. Nhấn mạnh quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của sự thay đổi chính sách phát triển điện lực đối với an ninh hệ thống điện quốc gia và an ninh - quốc phòng khi cho phép các thành phần kinh tế khác được quyền tham gia đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện. Việc phân định phạm vi giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong hoạt động đầu tư, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải quốc gia phải trên cơ sở quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng giai đoạn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, dự thảo Luật cần làm rõ quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện thuộc khu vực tư nhân trong đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện cũng như trách nhiệm và biện pháp kiểm soát của Nhà nước đối với các vấn đề về vốn đầu tư cho mạng lưới điện. Đồng thời, kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vận hành lưới điện quốc gia; bảo đảm công khai, minh bạch về chính sách giá điện và các loại phí liên quan đến truyền tải điện; công tác kiểm tra, giám sát, quản lý nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến giá bán, giá mua điện và trên cơ sở bảo đảm an ninh nguồn điện...

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương đề xuất, nên ghi ngay trong dự thảo Luật nội dung: Nhà nước đầu tư vào các dự án lưới điện huyết mạch, cụ thể là các đường dây cao áp 500kV và siêu cao áp 800kV; đối với những dự án lưới điện dưới mức đó, tức từ 110 - 220kV thì cho phép khu vực tư nhân tham gia đầu tư, quản lý, vận hành. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị, Điều 5 dự thảo Luật (sửa đổi khoản 2, Điều 4 Luật Điện lực) theo hướng chỉ quy định: “Nhà nước độc quyền trong vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”.

Và “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ” nhằm bảo đảm phạm vi khu vực tư nhân đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải được xem xét theo từng thời kỳ, bảo đảm vai trò kiểm soát của Nhà nước đối với tình hình vận hành, phân phối điện. Nói cách khác, sẽ bảo đảm sự thay đổi chính sách không gây tác động lớn tới giá bán lẻ điện cũng như an ninh hệ thống điện. “Việc điều độ hệ thống điện quốc gia vẫn do Nhà nước độc quyền, các nhà đầu tư không có quyền trong chuyện này”, Bộ trưởng Bộ Công thương nói.

Nhật An