Hình thành nhiều hợp tác xã nông nghiệp

Chị Trần Thị Hồng (50 tuổi), Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Suối Bàng chia sẻ, mười năm trước, người dân huyện Mộc Châu chủ yếu trồng ngô và dong riềng theo kỹ thuật truyền thống. Qua thời gian, chất lượng đất và cây trồng đều đã giảm sút nên năng suất không cao.

img_20221213_125128.jpg

Trồng cây ăn quả theo phương pháp hữu cơ giúp đời sống người dân tộc thiểu số Sơn La thay đổi từng ngày. Nguồn: internet

Nhận thấy huyện Mộc Châu rất thích hợp để trồng cây ăn quả, do có nhiều mạch nước đầu nguồn trong lành và dồi dào, chị Hồng cùng với chồng - một cán bộ khuyến nông và 3 thành viên khác đã sáng lập hợp tác xã nông nghiệp Suối Bàng, tích cực bón phân làm đất và trồng thử nghiệm 10 ha cam, nhãn, xoài, bưởi tại các bản Ấm, Pưa Lai và Sôi.

Kể từ khi thành lập từ năm 2016, đến nay, hợp tác xã đã có 20 hộ tham gia đóng góp công sức, đất đai để canh tác tổng cộng 30 ha cây ăn quả; bảo đảm các kỹ thuật cập nhật cho các thành viên và bao tiêu sản phẩm. Số lượng lên đến 30 tấn cam và 10 tấn nhãn mỗi năm.

Cũng theo chị Hồng, lãi suất và thu nhập của hợp tác xã liên tục tăng theo từng năm, năm 2020, hợp tác xã đạt thu nhập 1,8 tỷ đồng và năm 2021 đạt 2,3 tỷ đồng. Năm nay, hợp tác xã đã thu nhập 3 tỷ đồng (tính đến hết tháng 10), với thu nhập phụ là từ chế biến trái cây sấy khô. Cũng theo chị Hồng, có nhiều hộ thành viên khi bắt đầu tham gia hợp tác xã vào năm 2020 vẫn chỉ là hộ nghèo và cận nghèo những nay đã có thu nhập từ 25 - 30 triệu/ tháng.

Điều đó cũng tương tự với Hợp tác xã Cà phê Bích Thao Xã Hua La của ông Nguyễn Xuân Thao tại TP. Sơn La. Ông Thao chia sẻ, trước đây, đời sống người dân trong vùng vô cùng khó khăn, thiếu thốn trăm bề, cuộc sống chỉ quanh quẩn với cây ngô, củ sắn mà luôn trong tình trạng thiếu ăn. Từ khi cây cà phê "bén duyên" với mảnh đất này, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với những cây trồng kém hiệu quả trước đây, người dân cũng bắt đầu mơ về sự đổi đời với cuộc sống đủ đầy hơn.

Nhờ sản xuất hiệu quả, doanh thu của hợp tác xã ngày một tăng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Từ “sứ mệnh” xóa đói giảm nghèo, cây cà phê giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La. Nhiều sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường khó tính, góp phần khẳng định hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam.

Kinh doanh gắn với phát triển kỹ năng

Theo giám đốc các hợp tác xã, một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên sức bật cho hợp tác xã và các hộ thành viên là những kỹ năng mà họ được học từ các khóa tập huấn, dạy nghề ngắn hạn mà Liên minh Hợp tác xã, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức.

Theo Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La, các trường đào tạo nghề đã phối hợp với doanh nghiệp đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động; tổ chức thực tập nghề nghiệp ngay tại các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, triển khai các hoạt động theo Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chương trình của Ban Dân tộc tỉnh. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân liên kết thành lập mới hợp tác xã, hoặc chuyển đổi hoạt động mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã, gắn với bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã.

Bên cạnh đó, các ngành, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhân rộng các mô hình cây ăn quả chất lượng cao, rau sạch, dịch vụ du lịch cộng đồng và tín dụng. Tập trung sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn, nông sản sạch, sản xuất hướng hữu cơ, quy trình VietGAP, GlobalGAP...

Từ phía các hợp tác xã, còn phát huy vai trò trợ giúp kinh tế hộ gia đình phát triển, trợ giúp chính quyền cơ sở hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, mở mang ngành nghề, đẩy mạnh liên kết sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển.

Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, với doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/hợp tác xã/năm, thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/thành viên/tháng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo bền vững ở địa phương. Ngoài ra, các hợp tác xã còn tạo việc làm thường xuyên cho 9.935 lao động. Trong đó, 7.600 lao động làm việc trong các hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; 1.422 lao động làm việc tại các hợp tác xã thương mại, dịch vụ du lịch, quản lý chợ; còn lại là làm việc tại các hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện nước; vận tải.