Không còn là phiên chất vấn như thông lệ của mỗi kỳ họp Quốc hội, mà phiên chất vấn lần này đã ghi dấu ấn bởi những “lần đầu” khá đặc biệt.

Đây là “lần đầu” trong nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực. Phạm vi chất vấn lần này rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, được sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực. Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp gồm: kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng; nhóm lĩnh vực kinh tế ngành gồm: công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường; nhóm lĩnh vực văn hóa - xã hội và nhóm tư pháp, nội chính, kiểm toán nhà nước.

Phiên chất vấn lần này còn ghi dấu ấn khi chỉ với thời lượng 2,5 ngày chất vấn, nhưng “lần đầu tiên” trong nhiệm kỳ Khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn. Đây là một con số khá ấn tượng, điều đó cũng cho thấy, “ghế nóng” không còn là của riêng tư lệnh nào. Các chất vấn của đại biểu Quốc hội đã rất thẳng thắn, trực diện, bao quát được mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.

Dẫu rằng, mọi vấn đề chưa thể giải quyết hết trong một phiên chất vấn. Nhưng qua 2,5 ngày chất vấn vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã ghi nhận những nỗ lực của các bộ, ngành trong triển khai các nghị quyết của Quốc hội với những giải pháp cụ thể đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Nhiều vấn đề đã được các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo Chính phủ trả lời, làm rõ - những gì đã làm được, chưa làm được, đâu là vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Nguyên nhân do đâu việc triển khai một số nghị quyết của Quốc hội còn chậm; một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, chưa được giải quyết dứt điểm... Đây là điều mà đại biểu, cử tri, nhân dân mong đợi Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp hữu hiệu để giải quyết trong thời gian tới.

Trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước, với vai trò là người đứng đầu cơ quan hành pháp, Thủ tướng Chính phủ đã rất thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại - đó là: một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung. Thủ tục hành chính đối với sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà; kỷ cương hành chính trong một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm, trong đó người đứng đầu có lúc, có nơi chưa thực sự phát huy hết tinh thần trách nhiệm. Còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, chưa thực sự vì lợi ích chung… Trên cơ sở đó, Thủ tướng cũng đưa ra các giải pháp để khắc phục các tồn tại này.

Vẫn biết rằng, không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết được ngay, đôi khi có độ trễ bởi lý do khách quan, bất khả kháng. Và những tồn tại vì lý do khách quan, hay chủ quan đều đã được làm sáng tỏ qua phiên chất vấn. Ngoài trả lời, làm rõ vấn đề đại biểu chất vấn, đây cũng là cơ hội để các bộ trưởng, trưởng ngành được chia sẻ những cái khó, cái vướng trong thực tiễn điều hành, từ đó có những giải pháp cùng tháo gỡ. Thông qua hoạt động tái giám sát lần này, một lần nữa khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi.

Theo chương trình, cuối kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Mong rằng, những cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội, trước cử tri ở phiên chất vấn lần này sớm được hiện thực hóa trong chỉ đạo điều hành.