Quản lý chiếu xạ y tế còn bất cập
Bộ Khoa học và Công nghệ đang chuẩn bị xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực y tế.
Chụp cắt lớp vi tính phục vụ chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN
Thống kê trên thế giới cho thấy, hàng năm, có khoảng 2 tỷ ca chụp X-quang chẩn đoán, 32 triệu ca chẩn đoán và điều trị y học hạt nhân và 5,5 triệu ca xạ trị. Liều bức xạ do X-quang chẩn đoán chiếm 90% tổng liều gây bởi các nguồn bức xạ nhân tạo cho dân chúng. Hiện vẫn có 20 - 50% số ca chụp chiếu là không cần thiết hoặc được thực hiện không bảo đảm chất lượng. Đó là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư của người. Vì vậy, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải có một tuyên bố chung (Tuyên bố Born năm 2013) về tăng cường kiểm soát chiếu xạ y tế và giảm liều chiếu xạ cho bệnh nhân.
Đến nay, ngành y tế nước ta chưa có hành động nào để triển khai thực hiện Tuyên bố chung của IAEA và WHO, mặc dù chúng ta đều là thành viên của hai tổ chức này và cũng đang có những bất cập trong quản lý chiếu xạ y tế.
Theo báo cáo tại Hội nghị Pháp quy hạt nhân toàn quốc lần thứ 3 và Hội nghị Vật lý y khoa toàn quốc lần thứ 3 (năm 2018) thì toàn quốc có 8.600 thiết bị X-quang sử dụng trong chẩn đoán, đa dạng về chủng loại, tăng gấp hơn 2 lần so với 10 năm trước. Đồng nghĩa với sự tăng về mặt thiết bị X-quang chẩn đoán là một số lượng lớn các ca chụp X-quang đang được tiến hành trên phạm vi cả nước.
Mặt khác, kỹ thuật viên X-quang chẩn đoán cũng như phần lớn dân chúng chỉ quan tâm đến kết quả chẩn đoán mà không quan tâm đến liều chiếu xạ bệnh nhân trong chụp ảnh X-quang chẩn đoán. Một số cơ sở y tế còn cho cả 10 người bệnh vào ngồi trong buồng chụp X-quang để tiết kiệm thời gian đóng mở cửa buồng chụp. Đây là vi phạm nghiêm trọng quy định về bảo vệ bức xạ cho người dân và bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế.
Một thực tế đang tồn tại ở Việt Nam là việc chỉ định chụp chiếu X-quang nói riêng và chiếu xạ y tế nói chung chưa hoàn toàn tuân thủ các quy định của quốc tế về bảo vệ bức xạ - nguyên tắc “Justification” và nguyên tắc “Optimization” trong Tiêu chuẩn an toàn cơ bản của IAEA (BSS, No115) cũng như các quy định trong Thông tư 05/VBHN-BKHCN ngày 20.9.2018. Điều này làm tăng liều chiếu xạ bệnh nhân và gây lãng phí cho người bệnh.
Theo đánh giá sơ bộ, hàng năm có khoảng 23 triệu ca chụp X-quang chẩn đoán ở nước ta và con số này ngày càng gia tăng khi mức sống của người dân được nâng lên, đặc biệt ở các thành phố lớn. Ngoài ra, còn các thiết bị chẩn đoán hiện đại khác như SPECT, CT, PET, PET/CT và X-quang can thiệp ngày càng được sử dụng nhiều trong chẩn đoán và điều trị. Số lượng thiết bị xạ trị cũng tăng rất nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt thiết bị xạ trị gia tốc LINAC đã có khoảng 70 chiếc trong cả nước. Việc sử dụng các thiết bị chẩn đoán và điều trị bệnh này sẽ làm tăng liều chiếu xạ cho bệnh nhân nếu không được quản lý tốt.
Quốc hội cần giám sát thực hiện
Luật Năng lượng nguyên tử 2008 đã quy định về chiếu xạ y tế và chiếu xạ dân chúng cũng như trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong quy định và hướng dẫn về kiểm soát chiếu xạ. Bộ đã ban hành Thông tư 19/2012/TT-BKHCN quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ dân chúng; đồng thời, Bộ phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT quy định về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế và Thông tư liên tịch số 05/VBHN-BKHCN quy định về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế thay cho Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKCN-BYT.
Theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử 2008 thì trách nhiệm đầu tiên về bảo đảm an toàn bức xạ là thuộc về chủ cơ sở sử dụng bức xạ. Vì vậy, các cơ sở y tế cần có hệ thống kiểm soát nội bộ, ngoài hệ thống kiểm soát ngoại bộ của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân. Bộ Y tế cần phải xây dựng các hướng dẫn cụ thể để có thể thực hiện được các quy định về bảo vệ bức xạ và bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh sử dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ theo các yêu cầu của Thông tư 05/VBHN-BKHCN cũng như các yêu cầu liên quan của IAEA và WHO.
Mặc dù đã có khá đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật quản lý an toàn bức xạ trong y tế song thời gian qua, việc quản lý chiếu xạ y tế nói chung và quản lý liều chiếu xạ cho bệnh nhân nói riêng vẫn chưa được thực hiện tốt.
Cụ thể, ở phạm vi quốc gia, chúng ta chưa có số liệu định kỳ đánh giá về liều chiếu xạ bệnh nhân để có các giải pháp giảm liều chiếu xạ cũng như xem xét so sánh với quốc tế trong công tác quản lý liều chiếu xạ bệnh nhân (ở các nước tiên tiến thì 1 - 2 năm họ làm 1 lần, còn các nước khác thì 3 - 5 năm làm một lần, song chúng ta chưa từng làm việc này). Đội ngũ cán bộ vật lý y khoa trong các bệnh viện chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn bức xạ, bảo đảm chất lượng của các quy trình và thiết bị chẩn đoán, điều trị sử dụng bức xạ còn thiếu, còn yếu; chưa có quy định về vị trí việc làm cũng như về đào tạo của đội ngũ này theo hướng dẫn của IAEA. Việc lạm dụng chiếu chụp bức xạ vẫn còn xảy ra trong các cơ sở chẩn đoán và điều trị.
Muốn quản lý tốt, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch hành động quốc gia để triển khai thực hiện Tuyên bố chung của IAEA và WHO về tăng cường kiểm soát chiếu xạ y tế và giảm liều chiếu xạ cho bệnh nhân cũng như nhân viên y tế. Quốc hội cần có ý kiến giám sát để hai bộ phối hợp thực hiện nhiệm vụ này càng sớm càng tốt giúp cho việc bảo vệ người dân khỏi các tác hại không mong muốn của bức xạ trong khám chữa bệnh.