4a-4314.jpg

1. Thực trạng quản lý mạng xã hội và tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội

Mạng xã hội được chia làm hai loại:

- Thứ nhất: do tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp, có nguồn gốc rõ ràng, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Các trang này phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam. Đến hết năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 956 Giấy phép thiết lập mạng xã hội cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước.

- Thứ hai: Các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, trong đó Facebook và Google là 2 mạng xã hội có nhiều người Việt Nam sử dụng nhất.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, Việt Nam có 72 triệu người dung mạng xã hội (tăng 7% so với năm 2021).

Mặc dù đã được tuyên truyền, cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn bị lừa đảo, mất tiền oan sau khi nghe cuộc điện thoại lạ tự xưng là cán bộ công an, nhân viên ngân hàng hay những tin nhắn chứa đường link giả mạo. Hầu hết các vụ lừa đảo đều sử dụng thủ đoạn tạo các trang thông tin điện tử giả mạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện hành vi lừa đảo, hướng dẫn truy cập, đăng nhập tài khoản ngân hàng, mật khẩu và đọc mã OTP...

Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) đã công bố trang thông tin điện tử “https://2.0840113vn.org” giả mạo Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an (Cổng thông tin điện tử chính thức của Bộ Công an bocongan.gov.vn). Với mục đích lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, thông qua thủ đoạn mạo danh lực lượng Công an đang điều tra các vụ án liên quan đến tham nhũng, rửa tiền, ma túy... các đối tượng đã chủ động liên hệ với một số cá nhân có liên quan để yêu cầu trình diện Cơ quan Công an, đe dọa khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm giam để điều tra; từ đó, các đối tượng đề nghị nạn nhân nếu không muốn bị khởi tố, tạm giam thì phải cung cấp thông tin như: CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, số dư tài khoản để thanh tra tình hình tài chính. Sau khi có được thông tin, các đối tượng sẽ gửi 01 mã và đề nghị các nạn nhân đăng nhập vào website giả mạo trên. Sau khi có được thông tin cần thiết, các đối tượng sẽ chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của bị hại và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Trước đó, các đối tượng lừa đảo cũng đã sử dụng tên miền www.11384vn.com để giả mạo Cổng thông tin Bộ Công an.

Ngoài việc tạo các trang thông tin điện tử giả mạo, các đối tượng còn tạo các tài khoản mạng xã hội, các fanpage giả mạo của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp như: giả mạo fanpage của Ban Tuyên giáo Trung ương; giả mạo fanpage “Cảnh sát hình sự” của Bộ Công an; giả mạo fanpage VTV, giả mạo tài khoản của Trung Tâm khí tượng thủy văn quốc gia, giả mạo VietinBank, giả mạo truyền hình Quốc phòng Việt Nam và nhiều tài khoản giả mạo tài khoản Đài Truyền hình Việt Nam.

Trước tình trạng đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều biện pháp như tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân cảnh giác với các chiêu trò lùa đảo trên mạng internet nói chung, mạng xã hội nói riêng như: Cảnh giác trước nguy cơ lộ tài khoản và mật khẩu từ các trang mạng xã hội, dịch vụ trực tuyến; tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong thời gian Tết nguyên đán Quý Mão; Bản tin an toàn thông tin; Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội... Tuy nhiên do tính chất phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo hết sức tinh vi nên vẫn còn nhiều trường hợp người dân bị bừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet.

2. Các giải pháp trong thời gian tới

Về phía cơ quan nhà nước: Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân; thường xuyên thông báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, giúp người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý theo quy định; phối hợp với Công an tỉnh xác minh các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới gỡ bỏ, chặn lọc các nội dung có dấu hiệu lừa đảo.

Về phía người dân:

Không bấm vào các đường link, tên miền lạ được gửi đến email, điện thoại, không cung cấp mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cán bộ cơ quan cảnh sát điều tra để tránh sập bẫy lừa đảo.

Chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: thông tin về chủ sở hữu website, các chính như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng. Trường hợp mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng... tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, chỉ bán hàng online chứ không có địa chỉ cửa hàng cụ thể.

Khi có người nhắn tin hỏi vay tiền, nhờ nạp tiền điện thoại... thì phải gọi điện trực tiếp kiểm tra, xác minh. Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.

Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết... Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần bình tĩnh, kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.